Đặc sắc lễ Khai hạ của dân tộc Mường Hòa Bình
Ngày 5/2 (tức mồng 8 Tết Ất Tỵ), tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình diễn ra Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2025. Đây là lễ hội dân gian truyền thống lớn nhất của dân tộc Mường Hòa Bình, đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc trải qua bao đời nay. Lễ hội thu hút hàng vạn người dân, du khách tham gia.
Tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh nhấn mạnh, lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình là lễ hội truyền thống có quy mô lớn nhất của người Mường Hòa Bình và đã có từ rất lâu đời. Lễ hội gắn liền với các hoạt động văn hóa-tín ngưỡng không thể thiếu của đồng bào Mường ở Hòa Bình, đặc biệt là ở bốn vùng Mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động) của tỉnh. Lễ hội mang ý nghĩa tôn kính các vị thần linh, tưởng nhớ những người đã có công mở đất, lập mường và cầu mong vạn vật sinh sôi, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cầu mong cho những điều tốt đẹp đến với mọi nhà.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường ở Hòa Bình thường được tổ chức vào tháng Giêng Âm lịch hằng năm, ngay sau Tết Nguyên đán với nhiều nghi thức độc đáo đã tạo nên nét riêng, đặc biệt nơi xứ Mường.
Những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình đã được nâng lên, mỗi dịp Tết đến, Xuân về đồng bào các dân tộc đã trở về quê hương, tham gia các hoạt động lễ hội tại địa phương ngày một đông hơn.
Các Lễ hội góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân và thu hút du khách, là hoạt động thiết thực triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình" giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn tỉnh. Qua đó tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, con người, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của Hòa Bình để phát triển du lịch.
Lễ hội Khai hạ dân tộc Mường năm 2025 có 600 nghệ nhân trình diễn chiêng, cùng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn mang đậm bản sắc văn hóa của người Mường Hòa Bình. Tại lễ hội còn có các gian trưng bày nông sản, tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm OCOP, văn hóa, du lịch… của các địa phương trong tỉnh.
Lễ hội góp phần nâng cao nhận thức trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, các giá trị truyền thống quê hương, nâng cao niềm tin, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, đem đến cho chúng ta những dấu ấn đặc biệt, có một tâm thế tốt trong dịp đầu Xuân năm mới, đồng thời, cổ vũ các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động, sản xuất, học tập để hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dac-sac-le-khai-ha-cua-dan-toc-muong-hoa-binh-post858758.html