Đặc sắc Lễ tế Kỳ phúc đầu xuân
Hằng năm, cứ mỗi dịp đầu xuân năm mới, trên khắp các nẻo đường quê Thanh lại rộn ràng hẳn lên bởi hàng chục Lễ tế Kỳ phúc được tổ chức. Đây không đơn thuần chỉ là sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh trong cộng đồng làng, xã mà hơn hết, nó mang đậm những nét đặc trưng văn hóa truyền thống đã được gìn giữ tự bao đời.
Không gian thờ tự tại đình làng Phượng Mao (xã Hoằng Phượng) - nơi hằng năm diễn ra Lễ tế Kỳ phúc của làng.
Mỗi năm trong tứ thời hoặc hai kỳ xuân, thu có một tuần đại tế gọi là tế Kỳ phúc, nghĩa là cầu cho dân được bình an” - ý nghĩa tốt đẹp của Lễ tế Kỳ phúc được ghi chép lại trong cuốn “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính. Chính bởi mục đích hướng tới là “cầu cho dân được bình an” nên từ lâu, Lễ tế Kỳ phúc được xem là “đại tế”, sự kiện quan trọng của làng, xã. Theo đó, cách thức, nghi lễ tổ chức quy định rất chặt chẽ, nghiêm ngặt, không được phép “phạm” phải điều kiêng kỵ. Tuy ở mỗi vùng, miền, làng, xã sẽ có những nét khác biệt về tín ngưỡng và văn hóa; tuy nhiên, Lễ tế Kỳ phúc xưa thường có nhiều nét tương đồng trong cách thức tổ chức.
Về huyện Hoằng Hóa những ngày đầu xuân để cảm nhận rõ hơn cái danh giá của một vùng đất cổ. Nơi đây, đến hẹn lại lên, qua kỳ nghỉ tết là nhộn nhịp, tưng bừng “mùa” Lễ tế Kỳ phúc. Vào ngày đầu tháng 2 âm lịch sắp tới, nhân dân xã Hoằng Tiến và khách thập phương quanh vùng lại hân hoan phấn khởi, náo nức chuẩn bị cho lễ hội đầu xuân - lễ hội lớn nhất trong năm của làng và được diễn ra nơi trang nghiêm, tôn kính: Đền thờ Tô Hiến Thành - di tích văn hóa, lịch sử quốc gia. Đây không chỉ là nơi thờ tự, đời đời ghi nhớ công ơn của bậc hiền tài Tô Hiến Thành có công cứu nước, giúp dân dẹp giặc ngoại xâm mà còn như biểu tượng về tinh thần đoàn kết của tổ tiên ngay trong những ngày bình minh của lịch sử xã nhà. Từ thời nhà Lý, triều Lý Anh tông (1138-1175) xã Hà Lộ có 4 làng: Làng Tiền, làng Tán, làng Hậu và làng Định đã chung sức xây dựng nên đền thờ Đức Thánh Đại Giang (hay gọi là nghè Thánh Cả), ghi công ơn 1 vị thần từ thời nhà Lý đến thời nhà Trần có công đánh giặc ngoại xâm. Thánh vị và thần phả còn lưu giữ tại đền được ghi là: Đại giang, Quý công mạnh lang, hoàng minh, Tự tô đại liêu, thác tích Tô Hiến Thành. Từ đó, qua đời này đến đời khác, nhân dân xã Hà Lộ nay là xã Hoằng Tiến luôn bảo tồn, thờ phụng và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử của đền thờ Tô Hiến Thành. Trong không khí linh thiêng, trang trọng, Lễ hội Kỳ phúc truyền thống ở Hoằng Tiến diễn ra tại đền thờ Tô Hiến Thành, tái hiện nguyên vẹn nét văn hóa truyền thống, biểu tượng của ý chí kiên cường đấu tranh bảo vệ quê hương. Phần tế lễ là phần tổ chức nghi lễ tế thần, kiệu Đức thánh Đại Giang được rước về ngự tại làng Đông Thành và nhân dân của 5 làng trong xã cùng các dòng họ, bản hội sẽ dâng mâm lễ cùng đoàn rước kiệu về đến đền thờ Tô Hiến Thành để bắt đầu khai mạc lễ hội - điều này có ý nghĩa rất linh thiêng từ xa xưa đến nay. Sau phần tế lễ, rước kiệu là phần hội, phần hội sẽ được tổ chức nhiều trò chơi dân gian, mang đậm nét truyền thống như: Đánh đu, chơi bài điếm, thi gói bánh chưng, cờ tướng, đi cầu khỉ và nhiều trò chơi thú vị khác, thu hút đông đảo nhân dân trong xã và khách thập phương tham gia.
Lễ hội Kỳ phúc đầu xuân của làng Vĩnh Gia, xã Hoằng Phượng được diễn ra tại nghè của làng - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh - nơi thờ 2 vị nhân thần và 1 vị thiên thần: Thái sư Tô Hiến Thành - Lưỡng vệ tướng quân Trần Khát Chân và Thiên thần Tiến Hiền Thiên Tôn. Nghè được xây dựng từ thế kỷ XVI, trên gò đất hình đầu rồng, thường gọi là cồn Tai Long. Trong tổng số 52 đạo sắc phong từ các triều đại phong kiến Việt Nam đang được lưu giữ tại xã Hoằng Phượng, ngoài 23 đạo sắc phong cho hai vị tôn thần ở đình làng Phượng Mao, 29 đạo sắc phong còn lại thuộc về các vị thần đang được thờ phụng tại đền thờ này. Cho đến thời điểm hiện tại, 29 đạo sắc phong cho các vị thần ở nghè Vĩnh Gia vẫn chưa được dịch nghĩa mà vẫn lưu giữ, quản lý dưới dạng nguyên bản Hán - Nôm tại UBND xã Hoằng Phượng.
Lễ tế Kỳ phúc tại làng Vĩnh Gia bao gồm hai phần lễ và phần hội. Phần lễ sẽ có: Lễ rước cỗ của các thôn, dòng họ, gia đình trong làng, lễ tế nam quan, nữ quan cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no hạnh phúc. Phần hội dành không gian tổ chức các trò chơi dân gian. Đặc biệt, tham gia Lễ tế Kỳ phúc Vĩnh Gia, người xem sẽ được thả hồn mình nương theo những làn điệu chèo mượt mà, sâu lắng vốn đã trở thành niềm tự hào của đất và người xã Hoằng Phượng. Sau làng Vĩnh Gia, Lễ tế Kỳ phúc ở làng Phượng Mao được dân làng long trọng tổ chức tại đình làng, nơi thờ phụng hai vị thành hoàng làng là Linh Thông tôn thần (Lê Công Trinh) và Linh Quang tôn thần (Lê Công Phụ). Ngoài mong cầu về những điều may mắn, thuận lợi, mưa thuận gió hòa, lễ tế nhằm tưởng nhớ những đóng góp to lớn của hai vị thành hoàng làng trong công cuộc phò vua giúp nước, chống giặc ngoại xâm, được triều đình ban thưởng và cho phép lập đồn điền, khai khẩn đất hoang, tập hợp dân cư về đồn điền sinh sống. Tương truyền, sau khi thác hóa, hai vị thần vẫn thường hiển linh che chở, giúp đỡ cho dân làng xây dựng cuộc sống. Tương tự làng Vĩnh Gia, Lễ tế Kỳ phúc ở làng Phượng Mao cũng được tổ chức với phần lễ tế nam quan, nữ quan, kính cẩn, lòng thành dâng lễ vật trước anh linh thành hoàng làng.
Không chỉ riêng huyện Hoằng Hóa, Lễ tế Kỳ phúc được tổ chức phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ nói chung và Thanh Hóa nói riêng - những nơi văn hóa làng Việt thể hiện rõ nét nhất. Trong không gian lễ hội náo nức, rộn ràng, người dân như có thêm nguồn động lực, năng lượng tích cực để bước vào một năm mới với biết bao chông gai, thử thách đang đón chờ. Quan trọng hơn tất thảy, do thường được tổ chức tại các di tích văn hóa – lịch sử tiêu biểu của làng, xã nên Lễ tế Kỳ phúc tạo điều kiện để con cháu hôm nay được tìm hiểu sâu sắc hơn về những giá trị, truyền thống tốt đẹp mà cha ông bao đời dày công gây dựng nên.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/dac-sac-le-te-ky-phuc-dau-xuan/114236.htm