Lễ cúng tổ tiên là một trong những sinh hoạt thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô, mang tính giáo dục cộng đồng hướng về nguồn cội, biết ơn Tổ tiên, giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, tạo sự cố kết cộng đồng gia đình, dòng họ, làng bản, …
Sáng 13/2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), đồng bào dân tộc Lô Lô đã tái hiện một phần trong nghi lễ "Cúng tổ tiên" của dân tộc Lô Lô huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang trong khuôn khổ ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022.
Trong sinh hoạt dân gian thì Lễ Cúng tổ tiên thuộc các nghi lễ vòng đời của người Lô Lô. Theo phong tục, khi gia đình có người chết từ 3 đến 4 năm, người con trưởng trong gia đình sẽ lập bàn thờ tổ tiên (ông tổ "dùy khế") và rước hồn lên bàn thờ, lập bài vị (hình người) để thờ cúng. Người Lô Lô cho rằng, tổ tiên là những người thuộc các thế hệ trước, đã sinh ra mình và chia thành hai hệ: tổ tiên gần (dùy khế) - các ông tổ 3 đến 4 đời và tổ tiên xa (pờ xi) - những ông tổ từ đời thứ 5 hoặc thứ 6 trở đi.
Dân tộc Lô Lô có các tên gọi khác là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn… cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang và tỉnh Cao Bằng (phía Bắc Việt Nam), là một trong những dân tộc có dân số ít nhất của nước ta. Mặc dù vậy giá trị văn hóa, tinh thần của người Lô Lô rất phong phú. Cho đến nay những giá trị truyền thống của dân tộc này vẫn được gìn giữ hầu như nguyên vẹn - điều mà không phải dân tộc ít người nào cũng làm được.
Lễ cúng Tổ tiên của người Lô Lô gồm 3 phần chính: Lễ hiến tế, Lễ tưởng nhớ và Lễ tiễn đưa tổ tiên. Lễ cúng tổ tiên là Lễ hiến tế tổ tiên: thầy cúng chính (Vàng Dích Quỷ) làm thủ tục cúng trước sự chứng kiến của dòng họ và cộng đồng để báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ và hưởng lễ vật do con cháu dâng lên. Sau đó, nghi thức đánh trống đồng được tiến hành. Nhờ niềm tin tâm linh và lòng nhiệt tình mà suốt một ngày lễ, đoàn múa nghi lễ vẫn múa dẻo, nhịp nhàng theo nhịp trống, không hề thấy mệt mỏi. Sau lễ cúng, thầy cúng đốt tiền, vàng và lễ cúng kết thúc vào lúc rạng sáng hôm sau.
Lễ tiễn đưa tổ tiên được bắt đầu trong tiếng trống đồng. Giữa sân, gia chủ đốt một đống lửa lớn và thầy cúng thưa với tổ tiên về việc “con cháu dâng lễ vật phẩm, tiền, vàng để tiễn đưa tổ tiên trở về trời; xin tổ tiên nhận lễ vật do con cháu trong dòng họ dâng lên, người dẫn đường đã có, tổ tiên hãy về trời và hãy phù hộ cho con cháu ở trần gian.
Thầy cúng Lò Sì Páo cho hay
Chuẩn bị trang phục...
Sự tinh hoa hay bản sắc của mỗi dân tộc và sự khác biệt dễ nhận thấy ở các dân tộc vùng cao là thông qua trang phục của họ. Trang phục truyền thống hiện nay của người Lô Lô vẫn được duy trì và sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên để tiện cho công việc lao động sản xuất nhân dân cũng muốn mặc đơn giản các bộ quần áo âu phục hiện đại.
Người Lô Lô luôn có quan điểm “Mọi vật có thể đổi thay theo năm tháng, nhưng giá trị bản sắc văn hóa không thể phai mờ” vì vậy họ luôn gìn giữ những nét riêng vốn có, truyền thụ lại những phong tục, tập quán cho con cháu trong gia đình, dòng họ. Trong không gian văn hóa độc đáo cổ xưa , nghi lễ “Cúng tổ tiên” diễn ra vô cùng trang trọng,
... cùng với trống đồng...
... điệu nhảy, điệu múa, trang phục... tất cả đều đặc sắc, độc đáo đầy chất nghệ thuật của riêng người dân tộc Lô Lô, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang mà không nơi nào có được.