Đặc sắc nghi lễ tết xưa

Các nghi lễ, tập tục ngày tết đã có từ xa xưa, thời Lý - Trần, nhà Nguyễn. Mỗi thời kỳ, nghi lễ tết xưa có những nét khác nhau, gắn với bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Theo thời gian, nhiều nghi lễ không còn, một số vẫn được gìn giữ như đi chùa, dâng cúng tổ tiên và Tục khai hạ vào mùng 7 tết.

Thời Lý - Trần

Cứ vào tối 30 tháng Chạp, vua yết kiến Thái Hậu, Thái Thượng Hoàng ở cung Đồng Nhân. Các tăng đồ, đạo sĩ vào cung làm lễ tống trừ ma quỷ. Đêm trừ tịch này, dân Đại Việt đốt pháo ở trước cửa nhà để xua đuổi tà ma và đón mừng năm mới.

Phong tục Lý - Trần cho phép con trai, con gái nhà nghèo không đủ tiền sắm sanh, mối lái, cưới xin theo lễ giáo phong kiến thì lúc này cứ tự ý lấy nhau. Một phong tục nhân đạo hiếm có.

Sáng mùng 1 tết, vua Trần ngự ở điện Vĩnh Thọ. Thái tử và các quan hầu cận chúc mừng nhà vua, sau đó nhà vua vào cung Trường Xuân làm lễ cúng tổ tiên. Vua ngự ở điện Thiên Ân. Các phi tần xếp hàng ngồi quanh. Nội quan đứng ở trước điện, Thái tử và các quan đứng theo bậc, lạy mừng vua, tiến ba lần rượu. Thái tử lên lầu dự yến. Triều quan ngồi ở điện nhỏ phía Tây, ngoại quan ngồi ở Tây Vu, yến ẩm đến quá trưa, xế chiều mới ra về.

Ở trước điện, thợ thuyền dựng ngay đài Chúng Tiên hai tầng, tam cấp, ngói bạc chiếu sáng khung trời, tòa sen phô bày tướng quý. Trên nóc Bảo Đài, chim thiêng đứng đậu (chim là hình ảnh mặt trời - dương), bốn góc có rồng cuốn bay (cá rồng là biểu tượng của nước - âm). Trên thềm cao nhất, đấng Thanh Minh ngồi ngự. Cấp dưới, bậc dưới, tiên nữ chầu quan. Nhạc quan dàn hàng ngoài sân. Mọi người vui mừng nhảy nhót. Phấn chấn thiên tài mà dựng lên khúc nhạc đẹp, an ủi các chư hầu từ xa vào chầu ở kinh đô.

Vua lên quan Đài ăn yến, trước sau 9 lần vái, 9 lần uống rượu, rồi mới tan tiệc. Mọi nhà dân đều dọn mâm cúng tổ tiên. Thăng Long - Đại Việt sủng Phật, trai gái ngày tết mang hương lên chùa lễ Phật.

Ngày mùng 2 tết, các quan được ở nhà cúng lễ tổ tiên.

Ngày mùng 3 tết, vua ngự trên lầu, cửa Đại Hùng (cửa Nam) xem hoàng tử cùng các quan nội thị ném quả tú cầu (quả còn) làm bằng gốm, to bằng nắm tay trẻ con, có buộc 20 dải ngũ sắc. Ai đón mà không rơi là điều may mắn trong năm.

Toàn kinh thành, trai, gái chơi đánh đu, đá cầu, ca múa giao duyên, tung còn, kéo co. Ai thắng được uống rượu, ai thua uống nước lã.

Mùng 4 tết, vua Lý mở tiệc ban yến cho các quan.

Sáng mùng 5 tết, vua mở tiệc, khai hạ, sau đó các quan dân đi lễ các chùa, đền, dạo chơi các công viên.

Ngày mùng 7 thấy trời sáng sủa, không mưa gió thì người ta tin rằng con người cả năm được khỏe mạnh, do đó, việc mở tiệc ăn mừng gọi là khai hạ. Lâu ngày, cứ đến mùng 7 trời có mưa, cũng mở tiệc khai hạ.

Thời nhà Nguyễn

Ngày 20 tháng Chạp hàng năm, lễ Phật thức là lễ rửa ấn được tổ chức. Các quan trong triều mặc áo thụng xanh ra chầu tại điện Cần Chánh. Ấn được rửa bằng nước hương thủy lấy ở ngã ba sông và đựng trong một cái bình đầy hoa thơm. Ấn rửa xong được các quan cất vào tủ, khóa lại, bên ngoài có niêm hai chữ “hoàng phong”. Sau đó, vua và các quan đều nghỉ việc, không đóng ấn nữa.

Ngày 22 tháng Chạp, vua ngự đền Thái Miếu làm hạp hướng, mời các vị tiên đế về ăn Tết Nguyên đán. Trên mỗi bàn thờ, có bày một cây lụa trắng gọi là chế bạch.

Ngày 30 tháng Chạp, vua ngự ra điện Thái Hòa làm lễ Thượng tiên (lễ dựng nêu). Suốt đêm 30, các bà phi chầu chực hoàng thượng ở điện Quang Minh, các cung nữ múa hát ở cung Duyệt Thi.

Ngày mùng 1 tháng Giêng, lễ Tết Nguyên đán được cử hành trọng thể. Vua ra ngự điện Thái Hòa. Các quan làm lễ triều bái 5 lạy và dâng hạ biểu.

Ngày mùng 7 tháng Giêng, lễ khai hạ, tức là lễ hạ nêu được cử hành.

Ngày mùng 8 tháng Giêng, một vị quan do vua cử lên đàn Nam Giao làm lễ Kỳ cáo, cáo trước với trời đất ngày và tháng đã tìm được về lễ tế Trời,.../.

Nguyễn Thị Hải

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dac-sac-nghi-le-tet-xua-a148306.html