Nghi thức “khai quang điểm nhãn” dựa trên tích cổ của người Hoa xưa, những con thú linh đều có cái hồn của mình khi đi vào đời sống và điều đó thể hiện ở chính con mắt. Do vậy, các nghệ nhân chế tạo những chú lân - rồng bao giờ cũng chừa lại hai con mắt.
Nghi thức gồm hai phần: tại gia và đến chùa. Tại nơi sinh hoạt của đoàn lân, người ta lập bàn cúng gồm hoa quả, bánh trái. Sau khi thắp hương cúng trước bàn thờ sư tổ mới được dùng rượu vẽ mắt “điểm nhãn” và “khai quang”.
Để “khai quang điểm nhãn”, các đoàn dùng bút lông chấm vào châu sa, rồi lần lượt điểm vào một số bộ phận trên thân thể các chú lân như: trán, mắt, tai, miệng, sừng, vai, chân và đuôi. Sau đó, cột một sợi vải đỏ vào sừng của lân.
Sau khi điểm nhãn cho lân, các đoàn sẽ đi viếng chùa cầu bình an. Trên đường đi, nhiều đoàn chọn những con đường có người dân sinh sống, nhằm mang lại niềm vui và chúc phúc đầu năm mới.
Nghi lễ tâm linh giúp lân - rồng sống dậy bắt đầu cuộc sống mới cùng đoàn lân, đem những điệu múa, những màn biểu diễn đẹp mắt đầy may mắn đến mọi người.
Việc diễu hành cũng thông báo cho mọi người đoàn lân chính thức hoạt động.
Chú lân - rồng xếp ngay ngắn và thành viên đoàn lân vào trong chùa thắp hương, cầu một năm may mắn và mong lân - rồng sẽ có nhiều bài múa mang lại đời sống tinh thần phong phú cho nhân dân.
Sư thầy chúc phúc cầu an lành cho cả đoàn lân.
Lân - rồng hái lộc tại chùa, nhận nhiệm vụ đầu năm mới.
Sau nghi thức làm lễ, đoàn lân sẽ diễu hành và múa một bài xung quanh chùa.
Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng đoàn lân sư rồng Hoa Anh Đào, ở xã Trung Hưng - huyện Cờ Đỏ - Cần Thơ có 10 năm làm đầu lân chia sẻ: “Các đoàn không chỉ đem lại không khí vui nhộn cho các nẻo đường góc phố mà 3 con vật chính là lân, sư, rồng còn đại diện cho sự thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc và khỏe mạnh đến cho người dân”.
Nghi thức “khai quang điểm nhãn” chính là sự hòa quyện giữa truyền thống dân tộc và tâm thức con người - một nét văn hóa dân tộc Việt không hề bị mai một trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.
Hồng Phương/VOV-ĐBSCL