Đặc sắc ví giặm Nghệ Tĩnh
Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh (có người gọi là ví dặm) là loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca rất phổ biến ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trước kia, ví giặm được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải cho đến lúc làm việc trên cánh đồng, chèo thuyền trên những dòng sông. Nhìn chung, lời ca của dân ca ví giặm ca ngợi những giá trị truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác…
Vào lúc 23h10 (giờ Việt Nam) ngày 27/11/2014, tại Paris (Thủ đô Cộng hòa Pháp), Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO chính thức vinh danh ví giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kể từ đó tới nay, dân ca ví giặm càng được quảng bá rộng rãi.
Hát ví là gì và hát giặm là gì?
Việc UNESCO công nhận ví giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại góp phần thúc đẩy việc trao đổi giữa các cộng đồng, nghệ sĩ và các nhà nghiên cứu; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế; tăng cường các biện pháp bảo vệ nhằm mục đích hỗ trợ cộng đồng trong việc trao truyền và phương pháp giảng dạy, truyền miệng cũng như trong chương trình giáo dục chính thức sẽ được thực hiện với sự tham gia tích cực của các học viên, các chuyên gia, các tổ chức chuyên ngành và với sự hỗ trợ tích cực của Nhà nước.
Việc ví giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam được UNESCO vinh danh một lần nữa chứng tỏ sức sống của văn hóa truyền thống Việt Nam trong dòng chảy hội nhập vào văn hóa thế giới.
Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh (có người gọi là ví dặm) là loại hình nghệ thuật trình diễn dân ca rất phổ biến ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trước kia, ví giặm được hát trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, từ ru con, dệt vải cho đến lúc làm việc trên cánh đồng, chèo thuyền trên những dòng sông. Nhìn chung, lời ca của dân ca ví giặm ca ngợi những giá trị truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác…
Thực tế thì dân ca ví giặm gồm “ví” và “giặm”. Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp, người hát có thể co giãn một cách ngẫu hứng. Âm điệu cao thấp ngắn dài có khi còn tùy thuộc vào ca từ thanh bằng hay thanh trắc, ít từ hay nhiều từ. Hát ví còn được coi như một hình thức hát giao duyên nam nữ (ở đây có nhiều lời như thể thơ lục bát), mang nhiều chất ngẫu hứng. Trong hát ví còn có loại ví ghẹo và ví mục đồng khá dí dỏm hài hước, nghịch ngợm hồn nhiên tươi trẻ.
Hát ví có nhiều điệu như: ví đò đưa, ví phường vải, ví phường cấy, ví phường võng, ví phường chè, ví đồng ruộng, ví trèo non, ví mục đồng, ví chuỗi, ví ghẹo, ví giận thương (giận mà thương),...
Còn hát giặm là thể hát nói, bằng thơ ngụ ngôn thơ/vè 5 chữ. Khác với ví, giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh phách nhẹ, có nhịp nội nhịp ngoại.Thông thường một bài giặm có nhiều khổ, mỗi khổ có 5 câu (câu 5 thường điệp lại câu 4), mỗi câu có 5 từ (không kể phụ âm đệm). Hát giặm giàu tính tự sự, trữ tình, kể lể khuyên răn, phân trần, giãi bày.
Hiểu một cách đơn giản thì “giặm” có nghĩa là ghép vào, xen kẽ với nhau, thường 2 hay 3 hoặc một nhóm người hát đối diện nhau hát. Các làn điệu của hát giặm như: giặm xẩm, giặm nối, giặm vè, giặm kể…
Tính nhạc trong ví giặm
Tồn tại theo thời gian và cũng được gọt dũa theo thời gian của biết bao thế hệ, ngôn ngữ ví giặm mang nhiều nét tinh túy: vừa có cách nói óng ả, trau chuốt của ngôn ngữ văn học dân tộc, vừa vận dụng một cách tự nhiên, linh hoạt phương ngữ (ngôn ngữ địa phương Xứ Nghệ).
Và, cùng với ngôn ngữ đặc sắc ấy thì tính nhạc trong ví giặm Nghệ Tĩnh là rất đáng chú ý.
Nói đến tính nhạc, hai yếu tố phải xem xét đầu tiên là âm vực và âm điệu. Âm vực thực chất là sự đối lập về cao độ (bổng và trầm). Tuy nhiên, nếu chỉ đối lập âm vực không thôi thì chưa thành âm nhạc. Trong phạm vi một âm tiết chứa thanh điệu, sự biến thiên âm vực theo thời gian gọi là âm điệu. Còn trong một ngữ đoạn, sự biến thiên âm vực theo thời gian gọi là ngữ điệu. Hai yếu tố âm điệu và ngữ điệu tựa như giai điệu trong âm nhạc, do vậy, chúng có vai trò rất quan yếu trong tổ chức âm nhạc.
Trong ví giặm Nghệ Tĩnh, hai yếu tố âm vực và âm điệu được thể hiện khá rõ ràng: chúng phối hợp, hỗ trợ cho nhau để xác định tính nhạc.
Đáng chú ý, nhạc điệu ví giặm còn được hình thành từ hiệp vần và ngắt nhịp. Về hiệp vần, do hầu hết các bài ví giặm sáng tác theo thể lục bát (ví), hoặc ngũ ngôn (giặm) nên các câu bao giờ cũng kết dính với nhau bằng cách hiệp vần ở những vị trí nhất định. Thường là kiểu “vần lưng” ở hát ví và “vần chân” ở hát giặm.
Nhạc tính của ví giặm còn được hình thành từ ngắt nhịp (ngừng giọng) trong từng câu, từng bài. Trong ví giặm Nghệ Tĩnh, ngắt nhịp không chỉ thực hiện chức năng phân giới các thành phần câu, các câu mà còn thực hiện chức năng duy trì nhạc tính, qua đó tăng thêm sức mạnh biểu đạt ý nghĩa, góp phần thể hiện nội dung các câu ví giặm.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, hiện tượng điệp âm ở các cấp độ cũng tạo nên tính nhạc trong ví giặm Nghệ Tĩnh. Tính nhạc được hình thành từ điệp âm đầu và vì thế hai câu thơ giữa khổ thơ không thể đọc nhanh mà phải đọc chậm theo cái nhạc điệu lan ra, thấm dần.
Nhạc tính của ví giặm Nghệ Tĩnh còn được thể hiện ở biện pháp điệp âm tiết (tiếng) trong các lời hát. Chẳng hạn: Thương thương, nhớ nhớ, sầu sầu/ Biết là bấc có bén dầu cho không (hát ví). Ba cung bậc tình cảm trong tình yêu lứa đôi là thương, nhớ, sầu được lặp lại cùng với sự đều đặn của khuôn thanh điệu lục bát truyền thống (bằng bằng - trắc trắc - bằng bằng) cộng hưởng tạo nên âm điệu sâu lắng, da diết, thấp thỏm và khắc khoải từ những cơn sóng lòng của người đang yêu…
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dan-toc/dac-sac-vi-giam-nghe-tinh-tintuc468291