Đặc sản dân dã muồm muỗm hiếm có khó mua, giá gần 1 triệu đồng/kg
Từ món ăn đồng quê giản dị, loài côn trùng muỗm lúa bỗng trở thành đặc sản với giá trị cao, là món ăn khoái khẩu của nhiều dân nhậu.
Muỗm lúa còn được gọi mà muồm muỗm, đây là loại côn trùng có đầu nhọn, mình dài, cánh xanh vàng thường xuất hiện khi mùa lúa chín rộ. Loại côn trùng này có khi được chế biến thành món ăn có độ thơm ngon và béo ngậy nên được nhiều người ví như món tóp mỡ xanh.
Do muỗm lúa sống hoàn toàn ngoài tự nhiên, chưa thể nuôi nên số lượng rất hạn chế, chỉ có thể bắt khi vào mùa lúa chín.
Những năm gần đây, loại côn trùng này bỗng dưng được nâng tầm thành món “tóp mỡ xanh” có mặt trên bàn nhậu, trở thành đặc sản đồng quê được nhiều người săn lùng.
Muồm muỗm chủ yếu được bán trên các hội nhóm mạng xã hội với giá không hề rẻ, dao động từ 500.000-700.000 đồng/kg tùy loại. Riêng loại muỗm lúa non (cánh chưa dài) vẫn còn nhảy tanh tách giá lên tới 850.000 đồng/kg.
Thậm chí có thời điểm khan hiếm hàng, muỗm lúa non được được tiểu thương đẩy giá lên tới gần 1 triệu đồng/kg, mức giá này tăng khoảng 30% so với năm ngoái.
Dù giá thành đắt đỏ nhưng dưới mỗi bài đăng rao bán muỗm lúa lại thu hút hàng trăm lượt quan tâm đặt hàng.
So với loài côn trùng cùng họ, châu chấu lại có giá rẻ hơn rất nhiều so với muồm muỗm với giá bán dao động từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, cao nhất là khoảng 300.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo nhiều dân buôn, nhu cầu của người tiêu dùng cao, số lượng đặt hàng tăng dân nhưng nguồn cung không đủ đáp ứng.
Chị Hoàng Hà (Long Biên, Hà Nội) có kinh nghiệm bán côn trùng được 3 năm cho biết, so với nhiều loại côn trùng như châu chấu, bọ hung, ve sầu, vờ,...thì muỗm lúa được bán chạy hơn cả.
Năm trước, chị mới nhập 5kg để bán thử, dò la nhu cầu của thị trường nhưng không ngờ chỉ sau một bài đăng, chị đã lại bán hết trong nửa ngày. Nhiều người chưa mua được đành đặt cọc, hẹn đợt tới lấy hàng.
Nắm bắt nhu cầu của thị trường, năm nay, chị Hà chủ động về nguồn cung, mạnh dạn nhập mỗi lượt 20-30kg. Nhờ có tệp khách hàng cũ chủ yếu là nhà hàng và dân nhậu nên hàng về tới đâu là hết tới đấy.
“Dù đang vào mùa nhưng lượng muỗm lúa năm nay không nhiều bằng mọi năm, có ngày tôi chỉ nhập được vài cân, có ngày lại được 20-30kg. Dù nhiều hay ít thì gần như mặt hàng này chưa bao giờ ế. Khách mua lẻ thì lấy 1-3kg về ăn dần, nhiều quán bia hơi, quán nhậu cũng thường lấy số lượng lớn để về chế biến” - chị Hà chia sẻ.
Là người chuyên gom côn trùng quê để bán, anh Trần Văn Định ở (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, từ đầu mùa tới nay, do số lượng hạn chế anh chỉ mới thu mua được 3 đợt muồm muỗm, mỗi đợt anh mua được 30-50kg từ các đầu mối miền Bắc và từ các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.
Anh cho hay, mỗi đợt lấy hàng đều chỉ trong một ngày là hết sạch. Ngoài dân nhậu sành ăn, anh chủ yếu nhập về các nhà hàng, quán ăn đặc sản.
Sản phẩm tới tay người tiêu dùng đều đã được anh Định nhặt sạch sẽ, rút ruột rồi đóng vào túi hút chân không và gửi cho khách. Do vận chuyển xa nên việc bảo quản khó khăn, số lượng muỗm lúa tươi hầu như rất ít, giá bán cũng đắt đỏ hơn, lên tới 800.000-900.000 đồng/kg.
Theo anh Định, mùa muồm muỗm bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài đến tháng 10. Hiện nay đang vào mùa gặt, muỗm lúa to con, nhiều trứng và béo ngậy hơn, số lượng nhiều hơn so với đầu và cuối vụ nhưng so với mọi năm lại giảm đáng kể do loài côn trùng này sinh sản yếu, không theo bầy đàn như nhiều loại côn trùng khác.
Mặt khác, mưa bão khiến việc săn bắt, thu gom bị gián đoạn một thời gian. Vì vậy, anh Định không dám nhận cọc vì sợ không đủ hàng, khi nhận hàng anh cũng ưu tiên nhập vào nhà hàng, quán nhậu trước rồi mới trả cho khách lẻ.
Thông thường, muồm muỗm phải được sơ chế bằng cách vặt cánh, bẻ chân, ngắt đầu, rút ruột sạch sẽ. Sau đó, đem ướp với muối rồi rửa sạch, để muồm muỗm ráo nước và chế biến thành các món như muồm muỗm rang lá chanh, muồm muỗm xào, chiên giòn mang hương vị béo ngậy, giòn rụm, lạ miệng và hấp dẫn.
Theo nhiều chuyên gia cảnh báo, việc ăn muồm muỗm có khả năng gây dị ứng hoặc ngộ độc với những người có cơ địa mẫn cảm và đường ruột yếu.
Trong ruột của muồm muỗm chứa nhiều vi khuẩn gây hại, vì vậy trước khi chế biến cần rút ruột sạch sẽ, ngâm nước muối để đảm bảo vệ sinh an toàn.