Đặc sản Đền Hùng - Những món quà quê gây vương vấn
Đến với Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, du khách không chỉ bị thu hút bởi cảnh đẹp của phong cảnh nơi đây mà còn được thưởng thức những đặc sản mộc mạc của người dân đất tổ.
Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng thuộc xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Không chỉ là mảnh đất linh thiêng, đây còn là địa danh du lịch nổi tiếng với thắng cảnh non nước hữu tình và những đặc sản địa phương, ghi được dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách.
Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Phú Thọ, bánh củ mài là một món quà quê mà du khách nên thử khi về Đền Hùng.
Bánh củ mài được làm từ cây củ mài thường mọc hoang ở các vùng rừng núi. Nhân dân thường đào củ mài về cạo sạch vỏ, luộc, xào hoặc nấu canh ăn. Rễ củ chứa nhiều hạt tinh bột, rễ là một vị thuốc trong đông y, trị kém ăn, tiêu chảy lâu ngày, phế hư, ho suyễn, di tinh,...
Việc sản xuất các sản phẩm bánh củ mài được một số người dân ở xã Hy Cương tìm tòi, học hỏi ở các địa phương giàu kinh nghiệm trong sản xuất bánh kẹo như: Hà Nội, Bắc Ninh… rồi về trực tiếp sản xuất trên chính quê hương mình. Từ những nguyên liệu từ địa phương và các vùng lân cận, các chủ cơ sở đã chế biến ra nhiều loại bánh thơm ngon mang hương vị riêng như: bánh củ mài, bánh củ mài vừng giòn, bánh củ mài cổ tích nướng,…
Bánh giầy Lang Liêu cũng là một đặc sản Đền Hùng. Truyền thuyết “Bánh Chưng bánh Giầy” gắn với Lang Liêu dâng vua Hùng chiếc bánh thơm thảo với lòng hiếu kính và biết ơn đã được vua cha (Hùng Vương thứ 6) truyền ngôi báu.
Đây là loại bánh thơm ngon, dẻo dai, trắng mịn mang đầy ý nghĩa. Cho đến ngày nay, bánh giầy vẫn được người dân dâng lên vua Hùng vào mỗi dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương để tỏ lòng tưởng nhớ đến vua Hùng. Đến với khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, du khách sẽ được thưởng thức những chiếc bánh Giầy Lang Liêu do chính tay người dân đất tổ làm ra.
Bánh Giầy Lang Liêu được làm từ nguyên liệu chính là gạo nếp cái hoa vàng. Gạo được ngâm với nước sạch sau đó giã đều tay rồi nặn thành những chiếc bánh giầy trắng tinh, tròn trịa. Công đoạn làm nhân bánh khá cầu kỳ, cần sự khéo léo của người làm, nhân bánh làm từ đỗ xanh, đỗ được ngâm và đãi sạch vỏ, tiếp đến đồ chín rồi giã nhuyễn và cuối cùng là nắm thành những nắm nhỏ xinh.
Khi bột và nhân đã làm xong người làm sẽ tra nhân vào giữa rồi nặn thành những chiếc bánh xinh xắn, thơm ngon. Sau khi đồ xong, bánh sẽ có màu trắng tinh, tròn trịa, dẻo dai và mùi thơm ngon đến khó cưỡng.
Để tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn, người dân đất tổ khéo léo đặt chúng giữa những chiếc lá chuối xanh nõn đã được cắt theo hình tròn vừa với chiếc bánh. Điều đó dường như khiến hương vị món bánh thêm gần gũi, thơm nồng mùi hương và đặc trưng phong cách ẩm thực đất tổ.
Ngoài ra, còn phải kể đến chè lam Đền Hùng, là một loại bánh cổ truyền được rất nhiều du khách lựa chọn không chỉ bởi giá thành hợp lý, mà còn bởi hương vị thơm ngon, dễ ăn, kết hợp cùng chén nước chè xanh thì thật là một thứ quà quê dễ gây vương vấn.
Chè lam mỗi nơi có những công thức khác nhau nhưng nguyên liệu hầu như ở đâu cũng vậy. Đó là đường mật, mạch nha, gừng tươi, bột gạo nếp rang, lạc rang. Những nguyên liệu đơn giản, gắn bó với cuộc sống nông nghiệp thuần túy ấy nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo nên một thức quà quê ăn vào sẽ nhớ mãi.
Gạo nếp làm chè lam thường là nếp cái hoa vàng, hay nếp thơm - là những loại gạo đặc sản. Những nguyên liệu khác như gừng tươi cũng được chọn kỹ là những nhánh gừng già vừa cay nồng, vừa thơm. Công đoạn nấu chè lam là quan trọng nhất bởi những người thợ lành nghề sẽ biết cân, đong, đo, đếm từng nguyên liệu sao cho thật vừa vặn.
Trên bếp than hồng là nồi nước với những lát gừng đã được rửa sạch, gọt vỏ và bào nhuyễn. Đường, mạch nha, lạc rang cộng thêm một chút muối tinh được cho vào cùng lúc. Tất cả được đun với lửa vừa, khuấy thật đều tay cho đường tan, hòa với mạch nha và gừng mà không bị cháy khét.
Bích Ngọc