Đặc sản địa phương là món ngon ngày Tết

Còn gì bằng khi thưởng thức các món ăn, thức uống là đặc sản của địa phương trong những ngày Tết Cổ truyền của dân tộc. Có những sản phẩm đạt chuẩn OCOP càng khẳng định chất lượng, thương hiệu và là niềm tự hào của địa phương. Từ những tháng cuối năm, các cơ sở sản xuất lại tất bật chuẩn bị, sản xuất liên tục để có hàng phục vụ khách trong dịp tết, nhất là khách hàng tại địa phương.

Món ngon mời khách đến chơi nhà

Trong phong tục truyền thống của người Việt, vào dịp tết, họ hàng, bạn bè đến nhà chúc nhau năm mới dồi dào sức khỏe, may mắn, bình an và cùng thưởng thức bánh, mứt hay bữa ăn ấm cúng, thâm tình. Những năm gần đây, người dân dần ưu ái những đặc sản của địa phương, bởi an tâm về chất lượng cũng như tự hào sản phẩm của quê hương mình làm ra.

Với mục tiêu phát triển kinh tế gia đình và đóng góp sản phẩm chất lượng cho địa phương, anh Đỗ Cao Chí (SN 1982, ngụ ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) không ngừng học hỏi, đi lên từ những thất bại và thành công với thương hiệu Sữa dê Sala.

Anh Chí đang đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu Sữa dê Sala và hiện sản xuất gần 20 sản phẩm, trong đó có 8 sản phẩm đạt chuẩn OCOP với 6 sản phẩm sữa chua sấy thăng hoa các vị đạt OCOP 4 sao, 2 sản phẩm gồm sữa dê thanh trùng và sữa chua dê đạt chuẩn OCOP 3 sao cùng các sản phẩm trái cây sấy thăng hoa gồm dứa, mít, nhãn, xoài, sầu riêng, thanh long, chuối. Các món sữa chua sấy và trái cây sấy của anh được ưa chuộng, nhất là trong những ngày tết.

Các sản phẩm sấy thăng hoa với nhiều vị khác nhau của anh Đỗ Cao Chí (ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa)

Các sản phẩm sấy thăng hoa với nhiều vị khác nhau của anh Đỗ Cao Chí (ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa)

Để khách hàng tin tưởng, ủng hộ, đặc biệt là tự hào quảng bá đặc sản địa phương, anh Chí trải qua không ít thăng trầm. Anh Chí chia sẻ: “Với mỗi bước đi, tôi đều tính toán kỹ lưỡng và có kế hoạch rõ ràng để đầu tư đồng loạt, mang lại hiệu quả cao, bền vững. Các sản phẩm được sản xuất tập trung theo đơn đặt hàng. Ngoài các sản phẩm từ sữa dê, tôi còn tự hào khi sản xuất các sản phẩm trái cây sấy, bởi nó là nông sả được trồng tại quê hương Long An. Qua đó, tôi giới thiệu những trái cây của quê mình đến khách hàng trong và ngoài tỉnh”.

Sau các món ăn nhẹ để uống nước, uống trà là các món mặn trong bàn tiệc. Cùng với các món đặc trưng của Tết Cổ truyền là thịt kho, khổ qua hầm, dưa kiệu,... là các món mới theo đặc sản địa phương. Huyện Đức Huệ có sản phẩm khô ếch sấy một nắng Út Tơn của ông Hoàng Ngọc Tơn (61 tuổi, ngụ ấp 4, xã Mỹ Thạnh Bắc) cũng khá được ưa chuộng. Đây là sản phẩm được ông Tơn đặt nhiều tâm huyết để vừa giải quyết đầu ra cho người dân nuôi ếch, vừa phát triển kinh tế gia đình.

Là nông dân, ông hiểu rõ nỗi lo “được mùa, rớt giá”, đầu ra nông sản khó khăn làm nhiều người chật vật trong phát triển kinh tế gia đình. Sau thời gian trăn trở, nghiên cứu, ông Tơn quyết định phải có hướng đi mới, đột phá hơn để kịp thời giải quyết số ếch chưa bán được giá tốt, có thể bảo quản sản phẩm lâu dài cũng như đa dạng hóa sản phẩm từ ếch để tìm kiếm khách hàng. Vậy là, ông Tơn quyết định làm sản phẩm khô ếch để đưa ra thị trường.

Ông Tơn tâm sự: “Nông dân sợ nhất bị ép giá nhưng tình trạng này như vòng lặp, không thoát ra được. Trong khi đó, ếch không thể tích lũy để bán dần nên nông dân chịu thiệt thòi. Đó là động lực giúp tôi tìm giải pháp để khắc phục, tìm đầu ra ổn định cho gia đình và những người nuôi ếch tại địa phương”.

Ông Hoàng Ngọc Tơn (ấp 4, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) nỗ lực phát triển sản phẩm khô ếch của gia đình

Ông Hoàng Ngọc Tơn (ấp 4, xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ) nỗ lực phát triển sản phẩm khô ếch của gia đình

Trong quá trình sản xuất, ông Tơn đặt uy tín, chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Khô ếch làm ra từ những con ếch tươi ngon. Nguyên liệu ướp và quy trình làm khô ếch đều chú trọng an toàn thực phẩm. Sản phẩm khô ếch chứa đựng nhiều tâm huyết, tình cảm và kỳ vọng, bởi ông mong rằng, sản phẩm này sẽ ngày càng phát triển, giúp nâng cao thu nhập cho gia đình, giải quyết đầu ra cho nông dân nuôi ếch, tạo cơ hội việc làm cho người dân và đặc biệt là đóng góp cho địa phương có một sản phẩm đặc trưng chất lượng.

Nhờ quyết tâm đó, ông Tơn dần thành công với thương hiệu khô ếch sấy một nắng Út Tơn. Hiện sản phẩm khô ếch được nhiều khách hàng ưa thích bởi vị đặc trưng riêng từ công thức nước sốt ướp của ông. Ngoài khách hàng tại địa phương, ông Tơn xây dựng được mạng lưới khách hàng ổn định và ngày càng mở rộng ở tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, TP.Hà Nội,...

"Những món ăn, thức uống là đặc sản của địa phương không chỉ là món ngon ngày tết mà còn giúp những cuộc gặp gỡ, trò chuyện thêm gắn kết, thân tình”.

Cùng uống tách trà, ly rượu ngày xuân

Ngày xuân nhàn rảnh, những người trong gia đình, họ hàng và bạn bè lại có dịp cùng nhau ngồi lại chuyện trò, uống tách trà, ly rượu để đón năm mới và chúc nhau bình an, hạnh phúc. Ngoài những món trà, rượu truyền thống, nhiều món trà, rượu mới cũng được khách hàng lựa chọn trong dịp tết.

Anh Võ Hồng Hòa (ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa) tự tin giới thiệu các sản phẩm của mình trong Hội chợ Tự hào hàng Việt Nam của tỉnh tổ chức

Anh Võ Hồng Hòa (ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa) tự tin giới thiệu các sản phẩm của mình trong Hội chợ Tự hào hàng Việt Nam của tỉnh tổ chức

Tại huyện Mộc Hóa, anh Võ Hồng Hòa (SN 1997, ngụ ấp Gò Dồ, xã Bình Hòa Tây) trồng nấm đông trùng hạ thảo và sản xuất 3 sản phẩm gồm nấm đông trùng hạ thảo tươi, sấy thăng hoa và bột. Trong đó, sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Các sản phẩm này ngoài dùng trong nấu ăn còn có thể hãm trà để uống. Đây là sản phẩm tốt cho sức khỏe và được nhiều người ưu tiên lựa chọn cho gia đình, người thân, đặc biệt trong dịp tết.

Các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo của anh Võ Hồng Hòa

Các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo của anh Võ Hồng Hòa

Để đưa sản phẩm ra thị trường cũng như đạt chuẩn OCOP 3 sao và được nhiều khách hàng tin tưởng, đón nhận, anh Hòa nỗ lực rất lớn. Có đam mê nghiên cứu nuôi trồng các loại nấm, anh Hòa từng khởi nghiệp về lĩnh vực này từ khi còn là sinh viên.

Đặc biệt, khi nhận thấy thị trường nấm đông trùng hạ thảo đang phát triển tốt, chưa có ở địa phương, anh Hòa mạnh dạn trồng nấm và đầu tư quy trình sản xuất các sản phẩm từ nấm.

Anh Hòa trải lòng: “Dù có gặp khó khăn, tôi cũng không bỏ cuộc vì đích đến ở phía trước. Đặc biệt, khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, tôi càng tự tin hơn với con đường đang đi. Tôi sẽ cố gắng để sản phẩm tiếp cận được nhiều khách hàng hơn nữa, nhất là tự hào khi nó có mặt trong các gia đình vào những ngày tết”.

Ngoài chất lượng rượu, chị Ngô Thị Mỹ Hương (khu phố 4, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) còn chú trọng bao bì của sản phẩm

Ngoài chất lượng rượu, chị Ngô Thị Mỹ Hương (khu phố 4, thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) còn chú trọng bao bì của sản phẩm

Bên cạnh trà là ly rượu ngày xuân. Một trong những loại rượu dần được ưa chuộng và trở thành đặc sản của huyện Đức Huệ là rượu cà na của chị Ngô Thị Mỹ Hương (khu phố 4, thị trấn Đông Thành). Từ nguyên liệu có sẵn của địa phương, chị Hương làm rượu cà na và dần xây dựng thương hiệu Rượu Hương Cana.

Các sản phẩm rượu của chị Ngô Thị Mỹ Hương

Các sản phẩm rượu của chị Ngô Thị Mỹ Hương

Rượu cà na có loại dành cho nữ và cho nam. Rượu cho nữ uống là thành phẩm rượu ban đầu sau khi ngâm với đường trong khoảng thời gian phù hợp. Rượu cho nam được tiếp tục ngâm với rượu đế nên có độ rượu cao hơn. Với sự tinh tế trong phân loại sản phẩm, dù nam hay nữ đều có thể thưởng thức rượu cà na để cảm nhận vị ngọt hòa quyện hương vị đặc trưng của cà na.

Theo chị Hương, nhờ đặc tính của trái cà na giúp người uống không bị quá mệt sau khi uống say. Rượu có vị ngọt từ nhẹ đến đậm nên phù hợp với nhiều người. Đây cũng là sản phẩm góp phần giúp người dân trồng cà na giải quyết đầu ra.

Những món ăn, thức uống là đặc sản của địa phương không chỉ là món ngon ngày tết mà còn giúp những cuộc gặp gỡ, trò chuyện thêm gắn kết, thân tình./.

An Nhiên

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/dac-san-dia-phuong-la-mon-ngon-ngay-tet-a189551.html