Đặc sản 'trời ban' ở biển Việt, thịt ngọt, giòn, một con đủ cho 4-5 người ăn
Không chỉ có trọng lượng lớn với phần thịt dày, giòn sần sật, đặc sản này còn gây ấn tượng bởi hương vị ngon ngọt tự nhiên, 1 con có thể chế biến được vài món, đủ cho 4-5 người thưởng thức.
Ốc giác (tùy nơi còn gọi là ốc hoàng đế, ốc gàu, ốc gáo, ốc giá…) là 1 trong những loại ốc có kích thước lớn ở Việt Nam với trọng lượng trung bình từ 1-3kg/con, cá biệt có con nặng tới 4-5kg.
Chúng phân bổ chủ yếu ở vùng biển thuộc các tỉnh duyên hải miền Trung, kéo dài xuống phía nam, trong đó phổ biến nhất là ở Phan Thiết, tỉnh Lâm Đồng (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận cũ).
Ốc giác là 1 trong những sản vật độc đáo ở vùng biển Việt. Ảnh: Sơn Hào
Theo người dân địa phương, ốc giác thường sống ở vùng đá ngầm, ghềnh đá, hốc đá hoặc các vách đá dưới mặt nước. Dựa vào màu sắc và kích thước, ốc giác được chia thành 2 loại là ốc giác vàng và ốc giác vôi (hay còn gọi là ốc giác đen).
Trong đó, ốc giác vàng thường có trọng lượng lớn, phần cùi thịt có nhiều sọc xám và trắng. Còn ốc giác vôi nhỏ hơn, thịt có màu đen với các chấm màu cam. Cả 2 loại đều được dùng làm thức ăn, có vị ngọt tự nhiên, chế biến được nhiều món.


Ốc giác vôi (trái) có kích thước nhỏ và giá rẻ hơn ốc giác vàng (phải). Ảnh: Hoài Đăng, Trần Tấn Hải
Anh Bùi Minh – chủ 1 nhà hàng hải sản ở Phan Thiết cho biết, ốc giác có vỏ lớn nhưng phần thịt dày, chiếm phân nửa trọng lượng.
Loại ốc này sống khỏe, dai sức nên sau khi được đánh bắt, đưa lên bờ vẫn có thể sống trong nước mặn cả chục ngày. Vì vậy, sản vật tươi ngon này có thể được vận chuyển dễ dàng tới các tỉnh, thành lân cận.
“Thịt ốc giác được chia thành 2 phần, cùi và ruột. Cả 2 phần đều ăn được nhưng mùi vị và độ ngon khác nhau. Cùi có màu trắng trong, hơi cứng, ăn giòn sần sật. Còn ruột (hay còn gọi là gan, gạch) màu nâu nhạt, mềm, béo ngậy, bùi”, anh nói.
Quá trình sơ chế ốc giác đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỳ công. Ảnh: Sơn Hào
Theo chủ quán, để làm món ăn chuẩn vị, người ta chỉ sử dụng ốc giác còn tươi, thịt tươi vì khi ấy, cơ thể ốc vẫn tiết ra chất nhờn để tạo độ ngon ngọt và dai.
Còn những con ốc trông khô ráo, thịt ít chất nhờn thường là những con ốc đã đánh bắt lâu ngày, thịt dai, không còn mùi thơm đặc trưng.
Quá trình sơ chế cũng đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm và sự khéo léo.
Vì vỏ ốc giác khá to, còn phần thịt dày, bám chắc nên người ta thường luộc ốc rồi dùng vật nhọn lôi thịt ốc ra ngoài hoặc đập vỡ vỏ lúc ốc còn sống để lấy nguyên phần thịt tươi bên trong.
Khi lấy được thịt ốc, người ta còn tỉ mỉ loại bỏ phần “hòn hôi” bên trong (giống mật trong ruột cá, nếu làm vỡ sẽ khiến thịt bị ngăm đắng, khó ăn) để món ăn không bị hôi hay có mùi tanh.

Ốc giác khai thác vào mùa mưa được nhận xét là ngon, đạt chất lượng hơn mùa khô. Ảnh: Lê Triều Dương
Thịt ốc sơ chế sạch sẽ đem luộc sơ, rửa sạch, thái miếng nhỏ vừa ăn rồi chế biến các món như gỏi, nấu cháo, xào, nướng, hấp… Trong đó, ốc giác luộc là món đơn giản nhất nhưng ngọt thơm, thích hợp chấm kèm nước mắm gừng, tỏi ớt.



Ốc giác hiện được bán với giá 300.000-400.000 đồng/kg, tùy nơi, tùy trọng lượng. Ảnh: Quang Nguyên
Món gỏi ốc giác được nhiều thực khách yêu thích, tìm thưởng thức khi đến Phan Thiết.
Thịt ốc sau khi luộc vừa tới thì đem thái mỏng, trộn cùng hoa chuối, xoài xanh, rau răm… hoặc chỉ đơn giản là chút rau thơm như húng, bạc hà, hành tây... rồi nêm nếm đường, giấm, mắm, chanh, ớt cho vừa miệng.
Món này trộn xong có thể cho thêm hành phi thơm hoặc lạc rang, ăn kèm bánh tráng (bánh đa), bánh phồng tôm.



Thịt ốc giác có tính hàn nên thường được chế biến với các nguyên liệu, gia vị cay, nóng như gừng, sả, ớt, rau răm… Ảnh: Nguyễn Hoài Đăng
“Một con ốc giác vàng nặng 2,5-3kg có thể thu được hơn 1kg thịt, đủ để làm vài món như hấp, làm gỏi, xào rau… đảm bảo 4-5 người ăn vẫn no”, anh Minh cho hay.
Không chỉ dùng làm thực phẩm, vỏ ốc giác còn được tận dụng làm gáo múc nước hoặc sáng tạo đồ trang trí trong nhà. Nhờ đó, chúng mang lại giá trị kinh tế cao, được cả ngư dân lẫn thực khách săn đón.