Đặc sản từ 30 tỉnh thành 'đổ bộ' chợ Tết TPHCM
Đặc sản vùng miền từ truyền thống như bánh chưng Đất Tổ, nem Thanh Hóa… đến hiện đại như nước tương từ mật hoa dừa, bánh bao cá chép…, được các bạn trẻ từ khắp nơi mang đến giới thiệu tại TPHCM dịp Tết.
Phiên chợ cuối năm “Tết Xanh - Quà Việt” trên đường Pastuer (quận 3, TPHCM) tập nập khách từ sáng sớm. Hơn 1.000 sản phẩm từ các vùng miền được giới thiệu tại phiên chợ nhằm phục vụ khách hàng mua sắm Tết.
Lột lớp lá chuối bọc bên ngoài rồi nướng cuộn nem ngay trên bếp, sau đó cuộn từng miếng nem với lá sung, lá đinh lăng, chủ gian hàng đặc sản xứ Thanh mời khách ăn thử. Vị nem chua ngọt kết hợp với lá sung chan chát, đinh lăng thơm thơm quyện vào nhau rất “bắt” khiến ai cũng tấm tắc khen.
“Lần đầu tiên tôi thưởng thức nem kiểu này, rất mới lạ. Tôi mua khá nhiều nem trữ trong tủ lạnh, đến Tết có món ngon đãi khách thay cho chả lụa, tôm khô như trước” - bà Minh Hòa (55 tuổi, ngụ quận 11) vui vẻ nói.
Chị Nguyễn Thị Ngân (quê Thanh Hóa) giới thiệu Thanh Hóa có nhiều loại như nem thính, nem chua, nem nướng…; ngoài ra còn có cả tai heo, chân heo ủ muối. Đây là heo bản, được ủ muối nhưng không mặn, không có chất bảo quản.
“Tất cả đều là những đặc sản xứ Thanh. Lần đầu tiên đưa các sản phẩm này đến chợ Tết ở TPHCM, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến người tiêu dùng thành phố món đổi vị ngày Tết. Hơn nữa, những người quê Thanh Hóa nếu không thể về quê, vẫn có thể tìm mua đặc sản quê nhà ngay tại TPHCM” - chị Ngân chia sẻ.
Đặc sản xứ Thanh có giá rất phải chăng, như nem thính, nem nướng có giá từ 40.000 đồng/cái; nem chua 70.000 đồng/chục (10 cái); chân giò, tai heo được đóng túi, hút chân không có giá 90.000 đồng/cái. Sản phẩm đều được chứng nhận chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Gian hàng bánh chưng Đất Tổ của Phú Thọ được nhiều khách đặt hàng và sẽ lấy vào 27 tháng Chạp để cúng tổ tiên.
Anh Nguyễn Thành Nhân - nhân viên bán hàng thương hiệu bánh chưng Đất Tổ, chi nhánh TPHCM - cho biết, bánh chưng là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Bánh chưng Đất Tổ ngày xưa được dùng để dâng lên vua Hùng, sau này được chọn làm quà tặng các đại biểu trong những cuộc họp quan trọng diễn ra tại tỉnh Phú Thọ.
Nguyên liệu làm bánh chưng Đất Tổ được chọn từ nếp cái hoa vàng rất dẻo và có mùi thơm đặc biệt; đậu xanh được dùng làm nhân phải là loại đậu hạt gié, nhỏ và được chế biến nguyên hạt; lá dong phải chọn loại vừa phải, không già hay non quá để bánh có màu đặc biệt… Quan trọng hơn là nước dùng để nấu bánh phải là nước mưa lắng đọng và được lọc qua 3 lần. Bánh được hút chân không nên để được dài ngày.
Theo anh Nhân, dù mặt bằng thị trường năm nay bán chậm nhưng doanh số của đơn vị vẫn tăng 20% so với Tết năm ngoái nhờ tích cực tham gia các hội chợ và đẩy mạnh quảng cáo. Bánh chưng tại phiên chợ có giá 280.000 đồng/cặp (loại 1 kg/cái) và dùng làm quà tặng là 380.000 đồng/cặp (loại 1,3 kg/cái).
Gian hàng nem Sáu Xệ (Vĩnh Long) cũng tấp nập khách đến thử và mua nem về dùng trong những ngày Tết. Chị Ngọc Hà, nhân viên bán hàng liên tục cắt nem chả mời khách dùng thử, cho biết, mỗi ngày đem đến 250 kg các loại nem chả các loại để phục vụ khách TPHCM.
Theo chị Hà, dù bán Tết nhưng giá giữ nguyên giá như ngày thường với 140.000 đồng/chục nem thịt bò (280gram) và 120.000 đồng/chục nem thịt heo. Sản phẩm cơ sở đều đạt OCOP 4 sao.
“Lần đầu tiên đưa sản phẩm đến phiên chợ Tết này nhưng được khách hàng đón nhận nhiệt tình, sức mua rất tốt. Chúng tôi hy vọng sẽ giới thiệu thêm một món ăn có thương hiệu để người dân TPHCM lựa chọn, đồng thời cũng tìm kiếm thêm khách hàng mới, tăng sức mua cho sản phẩm dịp cuối năm” - chị Hà chia sẻ.
Giới thiệu sản phẩm mới là nước tương từ mật hoa dừa Sokfarm Trà Vinh, anh Lê Thanh Tùng, muốn góp thêm một gia vị cho ngày Tết và tốt cho sức khỏe. Đây là nước tương được chế biến từ mật hoa dừa, đã xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…
Tại phiên chợ “Tết Xanh - Quà Việt”, người tiêu dùng dễ dàng tìm kiếm những sản phẩm mới lạ, các nông đặc sản địa phương - làng nghề truyền thống làm quà biếu, tặng người thân dịp Tết Nguyên đán 2024 như giấm mơ làng Bách Cốc Cổ - Nam Định; tinh muối biển hầm làng nghề Tuyết Diêm - Phú Yên; vang nho - Phan Rang...
Bà Vũ Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) - cho biết, phiên chợ có khoảng 1.000 sản phẩm của 50 doanh nghiệp đến từ hơn 30 tỉnh, thành tham gia. Phiên chợ là điểm đến mua sắm những ngày Tết của người dân thành phố, bởi sự phong phú, đa dạng các mặt hàng.
Cùng với đó, giúp kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp, các làng nghề truyền thống của cả nước đang kinh doanh, sản xuất các sản phẩm địa phương từ tài nguyên bản địa, là những sản phẩm OCOP, chỉ dẫn địa lý, hàng Việt Nam chất lượng cao…
Phiên chợ kéo dài đến ngày 6/2 (27 tháng Chạp).
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dac-san-tu-30-tinh-thanh-do-bo-cho-tet-tphcm-post1609995.tpo