Đặc thù văn hóa làng biển

Một làng biển ở huyện Tuy An. Ảnh: VÂN NGUYÊN

Từ xa xưa, những người đánh bắt hải sản sống du cư trên sông nước, rồi dần chuyển lên sống thổ cư thành những làng chài, làng biển. Làng biển là những điểm dân cư tại các eo biển, cửa sông, với lao động chủ yếu là đánh bắt hải sản.

Phú Yên có gần 190km đường biển chạy dài từ Ghềnh Ráng (Bình Định) vào đến đảo Hòn Nưa (Khánh Hòa); dọc bờ biển Sông Cầu, Tuy An, Tuy Hòa và Đông Hòa có nhiều điểm dân cư làng biển. Làng biển gắn liền với cảng cá, nơi neo đậu, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền; thuận lợi cho việc vận chuyển hải sản lên bờ, tiện cung cấp xăng dầu, lương thực cho mỗi lần đi khơi; làng biển còn là nơi chế biến hải sản, kín gió ghe thuyền tránh trú bão.

Người làng biển luôn hướng về biển cả. Điểm dân cư làng biển khác xa với các điểm dân cư nông thôn thuần túy khác, vậy nên trong quá trình xây dựng nông thôn mới hay đô thị hóa cần có chính sách phù hợp với thực trạng, trong đó kinh tế và văn hóa là quan trọng.

Làng biển đông người, quan niệm nhà phải có con trai để đi khơi, kinh tế phụ thuộc vào đàn ông. Người làng biển thường học ít, chỉ cần có sức khỏe tốt để đi biển. Ngày xưa các trường học rất xa điểm dân cư, con em khó đến trường; nay các trường học, nhà văn hóa, nhà trẻ được xây dựng đến tận xã, thôn nên con em đi học gần hơn. Nhiều gia đình làng biển có 2-3 con học đại học, thành đạt, là niềm tự hào của gia đình, dòng họ và là gương sáng cho lớp trẻ noi theo.

Dân cư làng biển thương yêu đùm bọc, tình xóm làng được xây dựng do đặc thù về nghề nghiệp. Khi xuống thuyền thì mọi người đều là bạn, không phân biệt già trẻ, là văn hóa xưng hô thể hiện đoàn kết, sức mạnh chống chọi với sóng to, gió lớn. Khi chồng đi bạn, vợ ở nhà nuôi con, đan vá lưới, đợi chồng về, nay có điện thoại, ti vi, nên làng biển vui hơn.

Ngôi mộ làng biển được xây hình tròn (hình tượng cái thúng chai), các mộ có 1 vòng là còn độc thân, 2 vòng là có vợ và 3 vòng là có con cháu; kể cả những ngôi mộ gió ở ngoài đảo xa. Mỗi làng biển đều có đình làng, thờ cá voi, là nơi tổ chức lễ hội cầu ngư, cầu cho mưa thuận gió hòa, cá mực đầy khoang; hò bá trạo được biểu diễn trong mỗi chiều đầu vụ ra khơi; nhiều làng còn có miếu thờ hà bá, có chùa làng thờ Phật bà và các vị thần linh khác.

Ra khơi là đối chọi với sóng to, gió lớn, nên trai làng biển rất dũng mãnh, kiên cường, ngoài đánh bắt hải sản còn là những dũng sĩ bảo vệ ngư trường, biển đảo quê hương. Mỗi làng biển có lạch trưởng do mọi người tôn kính bầu ra để trông coi những việc liên quan đến nghề biển trong làng: Mỗi người chỉ được đăng ký đi bạn cho một chủ ghe trong năm, không tranh giành về lao động; khi ghe gặp nạn báo cho lạch trưởng, lạch trưởng báo cho các thuyền biết đến ứng cứu; không đến thì bị dân làng chê trách, chỉ có bỏ nghề, đây là quy chế, là nghĩa cử cao đẹp của dân cư làng biển.

Làng biển thường chỉ có một con đường lớn chạy xuyên suốt từ cảng qua làng, hai bên là các đường nhánh, đường cụt, nhà ở được tổ chức dạng chòm xóm, các gia đình anh em ở gần nhau để thuận lợi cho việc đi bạn. Ngày nay đường làng được bê tông sạch đẹp, có điện, có nước; dân cư làng biển khá hơn, có nhà lầu, ô tô, có cửa hàng đông vui sầm uất như phố thị. Các công trình công cộng được xây dựng mới, công trình văn hóa tâm linh được sửa sang; nhiều làng biển đang trở thành điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn và đang từng bước chuyển đổi sang làm dịch vụ du lịch.

KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/235603/dac-thu-van-hoa-lang-bien.html