Đại án buôn lậu xăng dầu: Kháng nghị không chấp nhận án treo cho 28 bị cáo
Viện Cấp cao 3 nhận định tòa sơ thẩm áp dụng án treo cho 28/74 bị cáo là không đúng quy định của pháp luật, quá nhẹ, không nghiêm,...
Ông Nguyễn Đình Trung - Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM vừa ký quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm ngày 8/12/2022 của TAND tỉnh Đồng Nai về vụ án buôn lậu liên tỉnh gần 198 triệu lít xăng (giai đoạn 1 chuyên án 920G), với 74 bị can bị truy tố về hai tội danh “Buôn lậu” và “Nhận hối lộ”. Vụ án từng gây xôn xao dư luận cả nước thời gian qua và được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi.
Theo Viện cấp cao 3, TAND tỉnh Đồng Nai xử sơ thẩm đã quyết định hình phạt dưới khung không đúng quy định pháp luật để giảm nhẹ hình phạt cho một số bị cáo và áp dụng hình phạt tiền thay phạt tù là chưa phù hợp. Trong khi đó, 28/74 bị cáo đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù và đều có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Từ đó, Viện cấp cao 3 đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xét xử theo hướng không cho hưởng án treo, tăng nặng hình phạt, cũng như áp dụng hình phạt tù giam thay cho hình phạt chính là phạt tiền đối với 28/74 bị cáo trong vụ án này.
Trước đó, bản án hình sự số 155/2022/HS-ST ngày 08/12/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tuyên phạt bị cáo Dương Văn Mẫn, Nguyễn Văn Hiệp, Trịnh Xuân Mơ, Phan Lê Hoàng Anh, Phan Trung Hiếu, Trương Công Tiến, Dương Đức Nghĩa, Trần Văn Triều, Hà Văn Khoa, Nguyễn Xuân Hà, Trần Văn Du, Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Văn Sái, Lê Hoàng Phương, Nguyễn Duy Bình từ 1 năm 9 tháng 29 ngày tù đến 4 năm tù.
Các bị cáo Phạm Đức, Nguyễn Cao Ngọc Thúy, Trần Thị Cẩm Vân bị tuyên từ 1 năm 6 tháng tù đến 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo; xử phạt tiền đối với các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Lương Đình Tiến, Trần Huy Lập, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Minh, Lê Hùng Phong, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thị Như Mỹ, Nguyễn Thăng Long, Bùi Ngọc Toàn.
Tuy vậy, Viện cấp cao 3 đánh giá, vai trò của bị cáo Phan Lê Hoàng Anh là rất tích cực, là mắt xích quan trọng thể hiện xuyên suốt trong toàn bộ quá trình mua bán xăng nhập lậu của bị cáo Hữu, với giá trị hàng hóa phạm pháp là đặc biệt lớn gần 2,6 tỷ đồng. Với tính chất hành vi, mức độ hậu quả của bị cáo Phan Lê Hoàng Anh là đặc biệt nghiêm trọng, vai trò đặc biệt lớn, nhưng án sơ thẩm lại xử phạt bị cáo mức án 3 năm 6 tháng tù là quá nhẹ.
Ngoài ra, Quyết định kháng nghị của Viện cấp cao 3 đánh giá, hành vi phạm tội của các bị cáo Dương Văn Mẫn, Trịnh Xuân Mơ, Nguyễn Văn Hiệp, Nguyễn Xuân Hà thể hiện thái độ xem thường pháp luật, vai trò chỉ sau bị cáo Phan Thanh Hữu và Phan Lê Hoàng Anh và cao hơn, nguy hiểm hơn rất nhiều so với các đồng phạm khác….
Riêng đối với các bị cáo Trần Văn Triều và Hà Văn Khoa cũng là các đồng phạm tích cực giúp sức cho bị cáo Phan Thanh Hữu. Các bị cáo đã giúp sức cho bị cáo Hữu tiêu thụ số xăng nhập lậu với giá trị hàng phạm pháp rất lớn từ hơn 1,8 tỷ đồng đến gần 2 tỷ đồng. 1
Ngoài ra, bị cáo Phan Trung Hiếu và Trương Công Tiến trong vụ án này vừa có vai trò giúp sức cho bị cáo Đức mua bán xăng nhập lậu, vừa trực tiếp thực hiện hành vi mua bán xăng nhập lậu, nên tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo thực hiện là đặc biệt nguy hiểm, cần phải xử lý thật nghiêm.
Không những thế, các bị cáo Dương Đức Nghĩa, Trần Văn Du, Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Văn Sái, Lê Hoàng Phương, Nguyễn Duy Bình là mắt xích quan trọng, giúp sức tích cực cho các bị cáo Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Hữu Tứ, Trần Thị Thanh Vân tiêu thụ số xăng nhập lậu với giá trị hàng phạm pháp rất lớn từ hơn 42,2 tỷ đồng đến 295,4 tỷ đồng.
Bị cáo Trần Thị Cẩm Vân là người giúp sức cho bị cáo Lê Thanh Trung theo dõi, tính toán, đối chiếu công nợ toàn bộ việc mua bán xăng nhập lậu tại kho Nam Phong; các bị cáo Nguyễn Cao Ngọc Thúy và bị cáo Phạm Đức giúp sức cho bị cáo Nguyễn Thăng Long mua bán xăng nhập lậu.
Đáng chú ý, Viện cấp cao 3 cũng xác định các bị cáo đều phạm vào khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự, thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và thực hiện hành vi phạm tội rất nhiều lần, nhưng án sơ thẩm chỉ xử phạt mỗi bị cáo mức án từ 3 năm tù trở xuống và lại còn cho hưởng án treo là trái quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 và Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP ngày 15/4/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Đồng thời theo quy định tại Điều 35 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì “Phạt tiền được áp dụng là hình phạt chính đối với các trường hợp sau đây:… Người phạm tội rất nghiêm trọng xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, môi trường, trật tự công cộng, an toàn công cộng và một số tội phạm khác do Bộ luật này quy định”. Điều 188 Bộ luật Hình sự chỉ quy định hình phạt tiền trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng theo khoản 1, khoản 2 và khoản 3.
Như vậy, tội “Buôn lậu” thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì không được áp dụng hình phạt chính là phạt tiền. Ngoài ra, án sơ thẩm xử phạt tiền đối với các bị cáo là vi phạm nghiêm trọng vì không đúng quy định tại khoản 4 Điều 188 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đánh giá tại quyết định kháng nghị, tất cả 28 bị cáo nêu trên đều phạm tội đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù và đều có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự; trong đó có nhiều bị cáo có đến 2 tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm a, g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên, án sơ thẩm xử phạt 28 bị cáo trên đều là dưới mức thấp nhất khung hình phạt, hưởng án treo, xử phạt hành chính là phạt tiền. Do đó, Viện Cấp cao 3 nhận định việc án sơ thẩm tuyên xử các bị cáo là không đúng quy định của pháp luật, quá nhẹ, không nghiêm, không tương xứng với vai trò, tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện, không đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm về buôn lậu đã và đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay.
Ngoài ra, Viện cấp cao 3 đã kháng nghị một phần Bản án hình sự sơ thẩm số 155/2022/HSST ngày 08/12/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về phần hình phạt đã xét xử đối với 28/74 bị cáo kể trên và áp dụng biện pháp tư pháp đối với các bị cáo Phan Thanh Hữu, Phan Trung Hiếu, Trương Công Tiến.
Từ đó, Viện cấp cao 3 đã đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng tăng hình phạt đối với các bị cáo Dương Văn Mẫn, Nguyễn Văn Hiệp, Trịnh Xuân Mơ, Phan Lê Hoàng Anh, Phan Trung Hiếu, Trương Công Tiến, Dương Đức Nghĩa, Trần Văn Triều, Hà Văn Khoa, Nguyễn Xuân Hà, Trần Văn Du, Nguyễn Ngọc Tiến, Phạm Văn Sái, Lê Hoàng Phương, Nguyễn Duy Bình.
Đồng thời không cho hưởng án treo và tăng hình phạt đối với các bị cáo Trần Thị Cẩm Vân, Nguyễn Cao Ngọc Thúy, Phạm Đức; không áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, và chuyển sang áp dụng hình phạt tù giam đối với các bị cáo Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Lương Đình Tiến, Trần Huy Lập, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Minh, Lê Hùng Phong, Phạm Thị Cúc, Nguyễn Thị Như Mỹ, Nguyễn Thăng Long, Bùi Ngọc Toàn.