Đại bản doanh của Ngô Quyền đón nhận di tích quốc gia đặc biệt

Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Đức vương Ngô Quyền năm xưa - vừa được Thủ tướng công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt

Từ ngày 12 đến ngày 15-2 (tức từ ngày 15 đến 18 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại TP Hải Phòng sẽ diễn ra Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm năm 2025, nhân kỷ niệm 1087 năm Chiến thắng Bạch Đằng, 1081 năm ngày mất của Đức vương Ngô Quyền và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đối với Cụm di tích Từ Lương Xâm, căn cứ bản doanh của Đức Vương Ngô Quyền năm 938.

Lễ hội Từ Lương Xâm diễn ra chủ yếu trong 3 ngày từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng hàng năm

Lễ hội Từ Lương Xâm diễn ra chủ yếu trong 3 ngày từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng hàng năm

Theo sử sách ghi lại, vào thế kỷ thứ X, vùng đất đã được người dân khai phá, nhưng vẫn còn dày đặc những hồ đầm, lạch thoát triều và thường xuyên chịu tác động của các giai đoạn biển tiến, biển thoái với địa hình hiểm trở vùng cửa biển Bạch Đằng.

Năm 938, được tin quân Nam Hán do Vạn vương Hoằng Tháo dẫn đầu hung hăng mang quân xâm lược nước ta, Ngô Quyền đã nhanh chóng xây dựng lực lượng, chiêu mộ binh mã, chọn vùng đất Lương Xâm làm bản doanh chỉ huy chiến trận.

Từ nơi đây, các lực lượng do Đức vương Ngô Quyền chỉ huy đã làm nên một trận đại chiến thắng trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, nhấn chìm toàn bộ các chiến thuyền của quân xâm lược Nam Hán, mở ra một kỷ nguyên độc lập lâu dài cho dân tộc ta.

Sau khi Đức vương Ngô Quyền mất, dân làng Lương Xâm xưa (nay thuộc phường Nam Hải, quận Hải An, TP Hải Phòng) đã dựng đền thờ vị tổ trung hưng đất nước và tôn vinh Đức vương Ngô Quyền là Thành hoàng, thần chủ của vùng đất cửa sông Bạch Đằng.

Màn rước kiệu trong Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm

Màn rước kiệu trong Lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm

Với công lao to lớn của Đức vương Ngô Quyền, nhiều triều đại đã ban sắc phong suy tôn ông là "Thượng đẳng tối linh Đại Vương" và là vị tổ trung hưng của dân tộc…

Nơi đây đang lưu giữ các hiện vật xuyên suốt thời kỳ dài hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc bao gồm: 125 hiện vật, cổ vật và 25 đạo sắc phong niên đại từ năm 1522 - 1924 của các triều đại Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn. Đặc biệt, trong từ còn lưu giữ 3 chiếc cọc - được cho là chứng tích của trận Bạch Đằng lịch sử năm 938.

Với những giá trị văn hóa, lịch sử đó, năm 1986, Từ Lương Xâm được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Năm 2022, lễ hội truyền thống Từ Lương Xâm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Ngày 17-1-2025, căn cứ bản doanh của Đức vương Ngô Quyền năm xưa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Nơi đây đang lưu giữ các hiện vật xuyên suốt thời kỳ dài hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc bao gồm: 125 hiện vật, cổ vật và 25 đạo sắc phong niên đại từ năm 1522 - 1924 của các triều đại Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn

Nơi đây đang lưu giữ các hiện vật xuyên suốt thời kỳ dài hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc bao gồm: 125 hiện vật, cổ vật và 25 đạo sắc phong niên đại từ năm 1522 - 1924 của các triều đại Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn

3 chiếc cọc được cho là chứng tích của trận Bạch Đằng lịch sử năm 938

3 chiếc cọc được cho là chứng tích của trận Bạch Đằng lịch sử năm 938

Theo lệ xưa, lễ hội Từ Lương Xâm diễn ra chủ yếu trong 3 ngày, từ ngày 16 đến 18 tháng Giêng hàng năm.

Người dân địa phương tổ chức lễ hội Từ Lương Xâm với những nét độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, như lễ rước nước, lễ rước truyền thống (gồm 7 đoàn thuộc các phường) với đầy đủ đồ tế, khí: Cờ thần, chiêng, trống, chấp kích, bát âm, long đình, lọng, bát biểu, kiệu bát cống.

Nét độc đáo, khác với các lễ hội làng xã là nghi thức hành lễ với các đội tế "tứ linh từ" của Lương Xâm và một số di tích thờ Ngô Quyền thuộc quận Hải An về hợp tế tại Từ Lương Xâm cùng lễ rước truyền thống với sự tham gia của các đoàn rước của các làng có Di tích thờ Ngô Quyền như: Lương Xâm, Xâm Bồ Hạ Lũng, Hạ Đoạn… hội tụ về chầu trước cửa "Từ Cả" Từ Lương Xâm - một trong "tứ linh từ" linh thiêng của huyện cổ An Dương và là "tam linh từ" của quận Hải An ngày nay…

Lễ rước truyền thống gồm 7 đoàn rước Lương Xâm, đoàn rước Xâm Bồ phường Nam Hải và đoàn rước của các phường Đằng Hải, Tràng Cát, Đông Hải 1, Đông Hải 2, Đằng Lâm với đầy đủ các đồ tế, khí: Cờ thần, chiêng, trống, chấp kích, bát âm, long đình, lọng, bát biểu, kiệu bát cống rước về "Từ Cả" - Từ Lương Xâm. Mỗi đoàn rước lên đến hàng trăm người là các bô lão, những nam thanh, nữ tú, nhân dân ở các địa phương tổ chức rước kiệu với trên 100 đồ tế khí.

Tượng Đức Vương Ngô Quyền trong Cụm di tích Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938

Tượng Đức Vương Ngô Quyền trong Cụm di tích Từ Lương Xâm - căn cứ bản doanh của Ngô Quyền năm 938

Tại Lễ hội năm nay, cùng với các nghi lễ truyền thống như: Lễ tế hàng tổng, lễ rước truyền thống và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao như: Kéo co, cờ người, nhảy bao bố, viết thư pháp và các trò chơi dân gian… sẽ là một chương trình nghệ thuật sử thi đặc biệt với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên đến từ các đoàn nghệ thuật Trung ương, thành phố trong khai mạc Lễ hội tổ chức tối 12-2 và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Trọng Đức

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dai-ban-doanh-cua-ngo-quyen-don-nhan-di-tich-quoc-gia-dac-biet-196250211133144646.htm