Đại biểu: 18.800 học sinh trượt lớp 10 công lập, ngành giáo dục TP.HCM tính thế nào?
Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM cho rằng việc kì thi cấp II - III nhưng hà khắc hơn cả thi đại học khiến học sinh ở tuổi 15, 16 phải đau đớn vì kết quả thi.
Chiều 10-7, kỳ họp thứ 10, HĐND TP.HCM khóa X đã diễn ra phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội TP, nghị quyết 98/2023 và các tờ trình của UBND TP.
Thi tuyển lớp 10 mà hà khắc hơn thi đại học
Tại phiên thảo luận, đại biểu đã nêu ý kiến về kết quả thi tuyển vào lớp 10 tại TP vừa qua.
ĐB Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng UBND TP cần có những chính sách căn cơ, dài hơi hơn về việc này.
ĐB Phát nêu một thực tế trong mấy ngày qua, kì thi vào lớp 10 nhận nhiều ý kiến. Sau khi công bố kết quả thi, vẫn có 18.800 học sinh không đủ điều kiện học tiếp. Ngành giáo dục TP cũng không điều chỉnh chỉ tiêu đầu vào.
Ông cho rằng, đây chỉ là kì thi cấp II - III nhưng hà khắc hơn cả thi đại học.
“Ở tuổi 15,16 mà các em phải rơi nước mắt, đau đớn vì kết quả thi như thế”- ĐB bày tỏ và cho rằng rất cần một chiến lược giáo dục dài hạn.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết khi kết quả thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 vừa được công khai, nhiều phụ huynh nhận được hàng loạt thông báo trúng tuyển vào các trường công lập, tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên. Ông Hiếu cho rằng tình trạng này rất nguy hiểm và khiến phụ huynh, học sinh rất bức xúc.
“Khi chất vấn các trường này, họ nói có được thông tin, dữ liệu qua quá trình tiếp xúc, tư vấn tuyển sinh. Nhưng tôi tin không phải vậy. Chúng ta cần làm quyết liệt, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm liên quan đến sử dụng, khai thác dữ liệu cá nhân bất hợp pháp” - lãnh đạo Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh.
Chăn dắt trẻ em là hành vi trục lợi
Tại phiên thảo luận tổ, tình trạng người lang thang, ăn xin trên địa bàn TP.HCM được nhiều đại biểu quan tâm.
ĐB Lê Minh Đức cho biết tình trạng lạm dụng, ngược đãi, xâm hại trẻ em và lợi dụng người khuyết tật, để xin ăn, chào mời bán vé số… để trục lợi là những hình ảnh đã diễn ra trong thời gian dài tại TP, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để.
ĐB Đức chia sẻ thêm, câu hỏi đặt ra là đằng sau những người phụ nữ bế con, những người khuyết tật đó, ai là người chăm sóc họ hay trục lợi. Rất cần những giải pháp căn cơ để không còn những hình ảnh này tại TP, giúp họ vào đúng nơi để được chăm sóc.
“Ai là người "chăn dắt", thu lợi từ trẻ em người khuyết tật; tại sao lại để trẻ em bị ngược đãi như thế. Chúng ta nói nhiều, chính quyền địa phương nói đã làm nhưng chưa làm hết trách nhiệm của mình hoặc chỉ đẩy đuổi từ phường này sang phường khác. Vì vậy, cần xác định mức độ, tính chất nghiêm trọng của hành vi, xử lý hình sự để bảo vệ trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật”- ĐB Lê Minh Đức đề đạt.
ĐB Đức cũng cho rằng phải có biện pháp để ngăn tình trạng mạo danh cơ quan chức năng uy hiếp người dân. “Tại sao chính quyền không quản lý được những chuyện này? Kể cả lãnh đạo TP cũng bị gọi làm phiền? Xây dựng chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin nhưng tại sao chúng ta không có giải pháp ngăn chặn các cuộc gọi rác, mạo danh cơ quan chức năng”- ĐB đặt câu hỏi.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP, cho biết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn đã giảm so với thời gian trước đây. Tuy nhiên, những hình ảnh này vẫn xuất hiện.
“Tình trạng phổ biến hiện nay là trẻ em biểu diễn xiếc, tạp kỹ tại hàng quán, tụ điểm. Chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP phối hợp chặt với chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp giáo dục ở cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Lâm thông tin.
Bên cạnh đó, Sở này cũng phối hợp với Công an TP.HCM đấu tranh với những người có hành vi chăn dắt trẻ nhỏ thực hiện hành vi này.
Ông Nguyễn Văn Lâm chia sẻ Sở sẽ tăng cường theo dõi, phối hợp với chính quyền địa phương, địa bàn dân cư để kéo giảm, tiến tới chấm dứt tình trạng "chăn dắt" trẻ em.