Đại biểu băn khoăn về nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương
Ngày 10/6, Quốc hội cũng đã thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1). Các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết sớm đầu tư 3 dự án cao tốc nêu trên với các cơ chế, chính sách để triển khai dự án.
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc đầu tư xây dựng 3 dự án cao tốc sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng đồng bằng sông Cửu Long, qua đó, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tại các khu vực mà tuyến đường đi qua.
Ông CHAU CHẮC - Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: “Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng là dự án rất quan trọng, cấp thiết, có tác dụng liên kết vùng, mở rộng không gian, lan tỏa lớn, có ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, xóa đối giảm nghèo trong vùng và biên giới Tây Nam , mở rộng giao lưu quốc tế. Nếu đường này hoàn thành thì sẽ kết nối với QL2 của Campuchia, đến thành phố Phnom Penh của Campuchia chỉ gần 80km".
Bà LÊ THỊ THANH XUÂN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: “Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột được đầu tư sẽ rút ngắn thời gian đi từ Đắk Lắk-Khánh Hòa còn 1,5 giờ, đồng thời phát huy kết nối hiệu quả với các trục dọc quốc gia, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc-Nam phía đông, đường ven biển đã và đang được đầu tư, kết nối lưu thông hàng hóa giữa cảng biển Khu kinh tế tổng hợp Vân Phong (Khánh Hòa) với Đăk Lắk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum”.
Tuy nhiên, một số ý kiến cũng còn băn khoăn về hình thức đầu tư công và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương để tham gia đầu tư Dự án.
Ông TẠ VĂN HẠ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam: “Nguồn địa phương ví dụ của 2 tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang - những tỉnh rất nghèo, thu có 4.000 tỷ/năm mà dự kiến cân đối để chi 300 tỷ đối ứng với dự án này thì liệu có đảm bảo hay không?”
Ông TRẦN VĂN TIẾN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc: “Tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước kia đề xuất phương thức đầu tư công, tôi đề nghị làm rõ vì sao tuyến này có lưu lượng xe lớn và được Thủ tướng quyết định chủ trương theo phương thức đối tác công tư với thời gian thu hồi vốn 17 năm nay lại chuyển đổi sang phương thức đầu công, nên đầu tư theo hình thức đối tác công tư dự án này để giảm ngân sách Nhà nước”.
Theo Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư các dự án khoảng 84.463 tỷ đồng. Một số ý kiến cũng đề nghị cần lưu ý đến tổng mức đầu tư có thể tăng lên do giá nguyên vật liệu tăng cao trong thời gian qua.
Thực hiện : Nhóm Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam