Đại biểu đăng ký tranh luận tại hội trường: Giơ bảng hay qua app?
Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết nội quy kỳ họp hiện hành không quy định cứng về việc đăng ký tranh luận. Tại kỳ họp 9, Thường vụ Quốc hội triển khai đăng ký tranh luận qua hệ thống app Quốc hội nhằm tăng tính hiện đại, minh bạch và thuận tiện cho điều hành.
Chiều 28-5, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022 của Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QH
Linh hoạt trong thời gian phát biểu
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết theo nội quy hiện hành, mỗi đại biểu phát biểu 7 phút, tranh luận 3 phút, quá trình điều hành của chủ tọa kỳ họp cũng rất linh động. Trường hợp nhiều đại biểu đăng ký phát biểu thì giảm thời gian còn 5 phút, tranh luận là 2 phút. “Theo tôi quy định này là rất phù hợp” – ông Hòa nói và đề nghị xem xét lại sự thay đổi trong dự thảo nghị quyết sửa đổi lần này.
Đại biểu Hòa cũng đề nghị ban soạn thảo gửi bản tổng hợp giải trình ý kiến tại phiên thảo luận tổ cho các đại biểu Quốc hội. Theo ông, việc này là rất cần thiết, giúp các đại biểu nắm phần ý kiến của mình được đã được tiếp thu như nào, nội dung giải trình đã thỏa đáng hay chưa. “Như vậy, khi ra thảo luận tại hội trường đại biểu không phải phát biểu lại lần nữa” – theo ông Hòa.
Bày tỏ đồng tình với ý kiến đại biểu Phạm Văn Hòa, đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho rằng quy định như hiện nay về thời gian phát biểu, tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn là hợp lý.
“Trong trường hợp nhiều đại biểu đăng ký thì giảm thời gian phát biểu từ 7 phút xuống còn 5 phút. Bởi để gói gọn được nội dung cần trình bày, nêu ý kiến trong 5 phút thì phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng” – ông Trí nói và cho rằng nếu thời gian ngắn hơn nữa thì rất khó.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội). Ảnh: QH
Cũng theo ông Trí, dự thảo Nghị quyết sửa đổi lần này quy định kỳ họp Quốc hội có thể được tổ chức liên tục hoặc theo hai hay nhiều đợt. Kỳ họp không thường lệ của Quốc hội được tổ chức khi có yêu cầu của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu Quốc hội để kịp thời xem xét, quyết định các vấn đề cấp bách thuộc thẩm quyền của Quốc hội đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Đại biểu Trí cho rằng đây là nội dung quan trọng nhất trong dự thảo nghị quyết sửa đổi lần này vì đáp ứng được đúng vai trò của Quốc hội. Khi đất nước, nhân dân cần thì Quốc hội phải họp.
“Thực tiễn Quốc hội khóa XV này chúng ta đã triển khai như vậy và bây giờ nội dung này được cụ thể hóa trong Nghị quyết của Quốc hội” - ông Trí nói và nhấn mạnh điều này là cần thiết, không trái với Hiến pháp.
Ngoài ra, đại biểu đoàn TP Hà Nội cũng đề nghị Quốc hội tạo điều kiện để đại biểu góp ý trực tuyến vào nội dung đang thảo luận tại hội trường.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Quốc hội
Giải trình, tiếp thu sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết có nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên thời gian phát biểu của đại biểu như quy định hiện hành là 7 phút.
“Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến này, theo đó mỗi đại biểu phát biểu lần đầu không quá 7 phút, lần thứ hai không quá 3 phút. Đồng thời, để tăng tính chủ động trong điều hành các phiên họp, cho phép chủ tọa, người điều hành phiên họp căn cứ vào diễn biến thực tế và số lượng đại biểu đăng ký để quyết định rút ngắn cũng như kéo dài thời gian phát biểu” – ông Lê Quang Tùng nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng. Ảnh: QH
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục đăng ký tranh luận bằng hình thức giơ bảng để thể hiện chính kiến sôi động, công khai của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Ông Tùng cho biết nội quy kỳ họp hiện hành không quy định cứng về việc đăng ký tranh luận. Tại kỳ họp thứ 9, Thường vụ Quốc hội đã triển khai việc đăng ký tranh luận qua hệ thống app Quốc hội nhằm ứng dụng công nghệ thông tin và tăng tính hiện đại, minh bạch cũng như thuận tiện cho điều hành.
Tuy nhiên, Tổng Thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho hay sẽ ghi nhận ý kiến đóng góp của đại biểu và nghiên cứu, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lựa chọn hình thức đăng ký tranh luận phù hợp, bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu về ứng dụng công nghệ và phát huy dân chủ sôi nổi tại nghị trường trong các kỳ họp tiếp theo.
Cùng đó, Quốc hội cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ các đại biểu tra cứu văn bản trước khi phát biểu, bảo đảm an toàn thông tin. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, nâng cấp để hoàn thiện phần mềm trợ lý ảo cùng những phần mềm khác để hỗ trợ tốt nhất cho các đại biểu.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng một trong những yêu cầu cốt lõi bảo đảm tính dân chủ, minh bạch trong hoạt động Quốc hội là công khai quá trình giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu.
Tuy nhiên, nhiều báo cáo giải trình còn chung chung, không rõ nội dung nào được tiếp thu, nội dung nào chưa được tiếp thu và lý do không tiếp thu.
“Điều này không chỉ làm giảm tính thuyết phục của báo cáo mà còn khiến cử tri, đại biểu Quốc hội khó theo dõi việc phản hồi chính sách của cơ quan soạn thảo” – ông nói và kiến nghị bổ sung vào Nội quy kỳ họp Quốc hội quy định mang tính bắt buộc “tất cả các báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội phải được công khai trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội ít nhất 48 giờ trước phiên họp biểu quyết”.
Báo cáo cũng phải thể hiện đầy đủ các nội dung được tiếp thu, chưa tiếp thu, nêu rõ căn cứ giải trình, lý do không tiếp thu đối với từng ý kiến.