Đại biểu đề nghị cấm đốt pháo hoa dịp Tết vì 'không mang lại lợi ích gì'

Đại biểu cho rằng hoạt động mua bán, đốt pháo hoa tràn lan trong 2-3 năm gần đây không đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng không đem lại lợi ích gì cho Nhân dân mà còn đe dọa đến công tác phòng, chống cháy nổ...

Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ sửa đổi sáng 3-6, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu) đã đề cập đến vấn đề dừng cho phép mua, bán, phân phối pháo hoa.

Quyết định mang tính lịch sử

Đại biểu cho rằng dự thảo lần này đã được luật hóa chặt chẽ các nội dung liên quan đến nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền của con người và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, việc quản lý, sử dụng, mua bán, bảo quản pháo hoa, pháo nổ mới chỉ được quy định tại Nghị định 137/2020 (sửa đổi, bổ sung năm 2023). Do vậy, bà đề nghị xem xét, bổ sung quy định về hoạt động chế tạo, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo nổ vào dự luật này. Mục đích là nhằm bảo đảm luật hóa nội dung nhằm có tính chặt chẽ và giải quyết những vấn đề phát sinh có liên quan đến pháo hoa, pháo nổ.

 Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu). Ảnh: PHẠM THẮNG

Dẫn Chỉ thị 406/1994 của Thủ tướng về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, bà Phúc cho hay quy định này đã được thực hiện có nề nếp, làm thay đổi có thói quen đốt pháo vào dịp Tết Nguyên đán.

“Trong 30 năm qua, đây được xem là một quyết định mang tính lịch sử cũng như được sự đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân” – nữ đại biểu nói và đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Công an xem xét và dừng lại việc cho phép mua bán, sử dụng pháo hoa, pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán.

Theo bà, hoạt động mua bán, đốt pháo hoa tràn lan trong 2-3 năm gần đây không đóng góp gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội, cũng không đem lại lợi ích gì cho Nhân dân mà còn đe dọa đến công tác phòng, chống cháy nổ và sức khỏe của người dân.

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc cho rằng hoạt động bắn pháo hoa đã được các địa phương, các cơ quan chức năng tổ chức tập trung, phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của Nhân dân vào dịp Tết Nguyên đán và các sự kiện trọng đại của đất nước, địa phương, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và các điều kiện có liên quan.

Để khắc phục bất cập, lỗ hổng trong quản lý, mua, bán, phân phối, sử dụng pháo hoa, pháo nổ đã phát sinh trong những năm qua, nhất là từ năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán 2024 vừa qua, bà Phúc nhìn nhận việc dừng cho phép mua, bán, phân phối pháo hoa, pháo nổ là rất cần thiết. Điều này là nhằm không để phát sinh việc nhập lậu, sử dụng sai quy định pháp luật và những hạn chế có liên quan đến nội dung này.

 Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Các đại biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đề xuất bỏ độc quyền sản xuất pháo hoa

Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) lại đề nghị cho phép các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có điều kiện được sản xuất pháo hoa tầm thấp, thay vì chỉ cho Bộ Quốc phòng độc quyền.

“Dịp Tết, rất nhiều người dân mua pháo hoa về chơi nhưng lại gặp khó khăn do chỉ có Bộ Quốc phòng mới bán” – ông Hòa nói.

Tại báo cáo dự kiến hướng tiếp thu dự thảo luật, Bộ Công an cho biết dự thảo Luật không điều chỉnh đối với pháo hoa, pháo hoa nổ.

“Mục tiêu của dự thảo Luật nhằm quản lý, trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong thi hành công vụ và thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội” – báo cáo dẫn và nêu rõ pháo hoa, pháo hoa nổ được sản xuất nhằm phục vụ sử dụng trong các sự kiện văn hóa, chính trị và vui chơi, giải trí của người dân.

Cạnh đó, theo Bộ Công an, Nghị định 137/2020 cũng đã quy định cụ thể về hoạt động chế tạo, sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, quá trình thực hiện cũng không phát sinh khó khăn, bất cập.

Theo điều 17, Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo hoa (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 56/2023), cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Pháo được các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng phải được mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

NHÓM PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-bieu-de-nghi-cam-dot-phao-hoa-dip-tet-vi-khong-mang-lai-loi-ich-gi-post793874.html