Đại biểu đề nghị chú trọng nội dung phòng ngừa ma túy
Tên luật là Luật Phòng, chống ma túy, nhưng dự thảo luật không có chương nào về phòng ngừa ma túy mà luật chỉ tập trung phần ngọn mà chưa giải quyết được phần gốc.
Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy (TP Hồ Chí Minh) đồng ý việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật, bao gồm cả tội phạm về ma túy và tệ nạn về ma túy là cần thiết.
Vì, tội phạm về ma túy là nguyên nhân thúc đẩy tệ nạn ma túy ngày càng gia tăng, là nguyên nhân sâu xa dẫn đến nhiều loại tội phạm khác, ảnh hưởng đến an toàn, trật tự công cộng, an ninh quốc gia. Do vậy, để bảo đảm tính thống nhất và hiệu quả thì hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy là phải được thực hiện đồng bộ và song song, không thể tách rời nhau.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho rằng, tên luật là Luật Phòng, chống ma túy, nhưng dự thảo luật không có chương nào về phòng ngừa ma túy mà luật chỉ tập trung phần ngọn mà chưa giải quyết được phần gốc.
“Tôi đề nghị bổ sung một chương về phòng ngừa ma túy, chương này quy định về nội dung, giải pháp, trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong phòng ngừa đối với người chưa sử dụng, người đã sử dụng và tái sử dụng người, nhóm đối tượng nhạy cảm và theo lứa tuổi. Phòng ngừa đối với các hoạt động hợp pháp về ma túy và cuối cùng mới là phòng ngừa tội phạm về ma túy”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu Thủy, hiện không có cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy mà chỉ có cơ quan chuyên trách về phòng, chống tội phạm về ma túy. Trong khi thực tế, chỉ có 20% số người nghiện có hồ sơ quản lý được cai nghiện bắt buộc và tỷ lệ rất nhỏ cai nghiện tự nguyện, có tới 24% người nghiện vi phạm pháp luật, 50% người nghiện có vấn đề về sức khỏe tâm thần và số người nghiện dưới 18 tuổi đang bị bỏ ngỏ. Còn số lượng lớn người nghiện chưa được quản lý hồ sơ đang là quả bom nổ chậm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự trong cộng đồng.
Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung cơ quan chuyên trách về phòng, chống ma túy chứ không giới hạn ở phòng, chống tội phạm về ma túy.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng, đó là để người bình thường không lâm vào nghiện ma túy và phòng ngừa để họ không tham gia vào các hành vi phạm tội về ma túy. Vì thế, căn cốt nhất là công tác tuyên truyền để tất cả các mọi người đều nhận thức được sự nguy hiểm từ ma túy.
Trong thời gian vừa qua, công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy và tội phạm ma túy, đặc biệt tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, sinh viên luôn được Chính phủ, bộ, ngành quan tâm và đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều loại ma túy tổng hợp mới xuất hiện, được sản xuất trá hình dưới nhiều dạng hình thức, với nhiều tên gọi khác nhau. Trong khi đó, các mẫu ma túy đưa vào giáo dục, tuyên truyền còn thiếu. Sau nhiều năm có các mẫu ma túy mới không được cập nhật, bổ sung.
Hoạt động truyền thông phòng, chống ma túy trong khối trường học còn mờ nhạt, chưa được quan tâm đúng mức, nội dung tuyên truyền còn hạn chế, chưa tính đến đặc điểm tâm, sinh lý của từng lứa tuổi, các đối tượng khác nhau mà vẫn rập khuôn, cứng nhắc như nhau cho mọi đối tượng. Do vậy, việc tham gia của học sinh, sinh viên còn hạn chế. Nhiều khi vẫn mang tính ép buộc, thiếu sự tự nguyện.
Theo báo cáo của Chính phủ, số người sử dụng trái phép chất ma túy trong những năm vừa qua ngày càng gia tăng, đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp. Hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít, tiêm chích sang uống ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần. Điều đó cho thấy hiệu quả của các hoạt động phòng ngừa chưa cao, nhất là công tác tuyên truyền đặt nhiệm vụ cho việc sửa đổi luật lần này phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để phòng ngừa.
Nếu thực tế chúng ta coi đây là hiểm họa cần phải phòng ngừa để không phát sinh người nghiện thì cần quan tâm về nội dung, cách thức và nguồn lực cũng như phân rõ trách nhiệm của các chủ thể ngay trong luật, gắn với chế tài chứ không chỉ là chương trình hành động hay là kế hoạch hàng năm.
Vì vậy, sửa đổi luật lần này, tôi xin đề xuất thiết kế một chương về tuyên truyền, phòng, chống ma túy, hoặc nếu vẫn thiết kế cho từng chủ thể, như các điều trong luật được thể hiện tại Chương II, cần nêu rõ trách nhiệm của các chủ thể đó đối với nhiệm vụ tuyên truyền, trong đó quy định rõ nội dung, cách thức tuyên truyền gắn với chủ thể tuyên truyền với từng đối tượng trong xã hội, như học sinh, sinh viên, đối tượng là thanh niên, thiếu niên, các cơ quan, trường học, ở các lớp học, doanh nghiệp tại vùng nông thôn.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) đồng tình với các ý kiến cho rằng Luật Phòng, chống ma túy, nhưng phần phòng ngừa còn mờ nhạt và chưa rõ ràng. Vì vậy, nên cần làm rõ, sâu sắc và cụ thể hơn, xem phòng là quan trọng, và quy định cụ thể nội dung, cơ quan chịu trách nhiệm và đặc biệt phải có tài chính để thực hiện việc phòng ngừa.