Đại biểu đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đề nghị, nên chăng, đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng, nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024; kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp) đề cập đến việc quản lý thị trường vàng có nhiều bất cập, giá vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, làm chảy máu ngoại tệ.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Quốc hội.

Điều này có khả năng tác động tiêu cực tới việc bình ổn kinh tế vĩ mô, cho nên việc cần phải có giải pháp dài hạn để quản lý, ổn định thị trường vàng.

“Đấu giá vàng của Ngân hàng Nhà nước chỉ là giải pháp tạm thời, giá vàng vẫn không giảm, mà có xu hướng tăng, nên chăng, đã đến lúc bỏ độc quyền vàng miếng, nhập khẩu vàng của Ngân hàng Nhà nước.

Sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ, cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước. Có như thế, tôi tin tưởng thị trường vàng sẽ ổn định chứ không phải lên xuống hằng ngày như hiện nay”, đại biểu nói.

Bên cạnh đó, đại biểu đoàn Đồng Tháp cũng nhìn nhận, lãi suất tín dụng thấp không hấp dẫn người dân lựa chọn gửi tiền vào ngân hàng, sở dĩ vàng tăng giá do nhu cầu quá lớn, người dân rút tiền ở ngân hàng để mua vàng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn tỉnh Bình Định) phân tích, trong những tháng đầu năm, giá cả một số mặt hàng dịch vụ tăng cao, nhất là giá vàng, tỷ giá USD, giá dịch vụ hàng không dẫn đến những tác động tiêu cực.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn tỉnh Bình Định). Ảnh: Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn tỉnh Bình Định). Ảnh: Quốc hội.

“Đó là vàng, USD trở thành ưu tiên lựa chọn dự trữ của nhiều hộ gia đình, cá nhân. Nếu chúng ta không có giải pháp tốt, không sớm kiềm chế, sẽ dẫn đến hiện tượng vàng hóa, USD hóa trong các giao dịch mua, bán trong xã hội.

Thêm vào đó giá dịch vụ hàng không nội địa tăng cao, khó mua, du lịch nội địa khó cạnh tranh được với các tour du lịch của nước ngoài. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành nghiên cứu các giải pháp nhằm sớm bình ổn giá trong thời gian tới”, đại biểu đề nghị.

Trước đó, thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cũng cho rằng, Nghị định về quản lý thị trường vàng hiện hành cần phải sửa đổi sớm để ổn định thị trường.

Theo đại biểu, khi giá vàng tăng cao, sẽ tác động đến rất nhiều yếu tố, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân. Người dân sẽ không đầu tư lĩnh vực khác, không gửi tiền vào ngân hàng nữa, chuyển sang xếp hàng mua vàng, rõ ràng đây là vấn đề. Do vậy Nhà nước cần thiết phải kịp thời xử lý, điều hành.

Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh Kỳ họp. Ảnh: Quốc hội.

Vấn đề là phải đưa giá vàng trong nước ngang với liên thông thế giới, về mặt dài hạn, phải sửa đổi Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, vì chính Nghị định này đang sinh ra tác động ngược.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các giải pháp trước mắt cũng cần phải rất linh hoạt. Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng nêu nghịch lý, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức đấu thầu, thì ngay sau đó, giá vàng lại tăng vọt. Từ kết quả này, đại biểu cho rằng, việc đấu thầu còn là tác nhân đẩy giá vàng lên cao hơn, giải pháp đấu thầu đã không đạt mục tiêu hạ nhiệt giá vàng trong nước.

Vì giá sàn đã cao hơn giá thị trường, nên khi người trúng thầu bán ra, phải bán cao hơn nữa, nên giá vàng trong nước lại tăng lên...

Cùng đề cập vấn đề giá vàng, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, Nghị định 24/NĐ-CP đã hết giá trị lịch sử cần được sửa đổi. Nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được, và có thể nguy cơ “vàng hóa” nền kinh tế như trước đây. Do đó, đại biểu Phạm Đức Ấn đề nghị cần có đánh giá nhiều khía cạnh, có chính sách quản lý chặt chẽ thị trường vàng để giảm thiểu ảnh hưởng đến tỷ giá...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dai-bieu-de-xuat-bo-doc-quyen-vang-mieng-171417.html