Đại biểu đề xuất đổi tên họp 'bất thường' thành kỳ họp không thường kỳ

Chiều 12-2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Một số đại biểu (ĐB) đề xuất xem xét quy định tên các kỳ họp không thường kỳ theo hướng không gọi là 'kỳ họp bất thường'.

Các ý kiến cơ bản tán thành với việc sửa đổi, bổ sung luật. Dự thảo luật đã cơ bản phân định được thẩm quyền của Quốc hội với Chính phủ và các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu và ý kiến chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị.

Thảo luận ở hội trường về dự án luật này, nhiều ĐB kiến nghị xem xét quy định tên các kỳ họp không thường kỳ theo hướng không gọi là “kỳ họp bất thường”.

 Các đồng chí lãnh đạo bên lề phiên họp chiều 12-2. Ảnh QUANG PHÚC

Các đồng chí lãnh đạo bên lề phiên họp chiều 12-2. Ảnh QUANG PHÚC

ĐB Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) cho rằng, với tình hình luôn diễn biến nhanh như hiện nay, Quốc hội phải họp các kỳ họp bất thường nhiều hơn, cũng mang tính chất chuyên đề. Do đó, ĐB đề nghị nên quy định ngoài 2 kỳ họp thường lệ trong năm, thì quy định có thêm các kỳ họp chuyên đề của Quốc hội để giải quyết những vấn đề nóng của thực tiễn, bảo đảm hiệu quả, phục vụ nhu cầu phát triển đất nước.

 Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông). Ảnh: QUANG PHÚC

Trong khi đó, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Hiến pháp quy định Quốc hội họp mỗi năm họp 2 kỳ và các điều kiện để họp bất thường chứ không quy định tên gọi cụ thể là “kỳ họp bất thường”. Do vậy, lần này sửa luật là dịp để cụ thể hóa, quy định. Bên cạnh 2 kỳ họp thường lệ thì Quốc hội họp các kỳ không thường lệ, thậm chí có thể đặt tên số thứ tự kỳ họp.

 ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhiệm kỳ này Quốc hội tiến hành 9 kỳ họp không thường kỳ đã giải quyết rất nhiều vấn đề quan trọng, góp phần giải phóng nguồn lực của đất nước. “Cái gì bất thường nhiều cũng thành bình thường. Nếu có thể đổi tên từ “bất thường” thành chuyên đề thì nhẹ nhàng, để mỗi khi họp trở thành công việc bình thường của Quốc hội trong giải quyết vấn đề quan trọng của đất nước”, ĐB Dương Khắc Mai nêu ý kiến.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, nên chăng không nên dùng từ "họp bất thường", vì bản chất là Quốc hội họp các kỳ họp không thường kỳ. Do đó, có thể quy định ngoài 2 kỳ họp thường kỳ trong năm thì Quốc hội họp các kỳ họp không thường kỳ để đáp ứng giải quyết các vấn đề cấp thiết của đất nước.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình. Ảnh: QUANG PHÚC

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu giải trình. Ảnh: QUANG PHÚC

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng ghi nhận các ý kiến ĐB để tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu làm rõ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét, quyết định. Còn quan với điểm cá nhân, ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng gọi “không thường kỳ” hay “kỳ họp chuyên đề” đều không vướng quy định của Hiến pháp.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-de-xuat-doi-ten-hop-bat-thuong-thanh-ky-hop-khong-thuong-ky-post781597.html