Đề xuất bổ sung quy định mức độ vi phạm dẫn đến mất tư cách đại biểu Quốc hội
Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phân biệt giữa vi phạm hành chính, kỷ luật đảng và vi phạm pháp luật hình sự. Cần có quy định rõ các tiêu chí khách quan để tránh tình trạng xử lý thiếu thống nhất giữa các đại biểu.
Chiều 12/2, Quốc hội thảo luận về Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Góp ý về quy định tạm đình chỉ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nhận định, so với quy định cũ, nội dung sửa đổi có một số điểm nổi bật.
Về cơ sở tạm đình chỉ đại biểu Quốc hội, ông Bình cho rằng, điều khoản chưa xác định rõ các tiêu chí để quyết định mức độ vi phạm nào đủ nghiêm trọng để tạm đình chỉ. Theo ông Bình, cần phân biệt giữa vi phạm hành chính, kỷ luật đảng và vi phạm pháp luật hình sự. Vì vậy, ông đề xuất cần quy định rõ các tiêu chí khách quan để tránh tình trạng xử lý thiếu thống nhất giữa các đại biểu.
Về việc khôi phục quyền lợi cho đại biểu Quốc hội, luật đề xuất chỉ quy định khôi phục quyền hạn nếu đại biểu không có vi phạm hoặc được miễn trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, không nói rõ trường hợp đại biểu bị oan sai hoặc bị truy tố sai, liệu họ có được bồi thường hay không? Từ đó, đề xuất nên bổ sung cơ chế bồi thường hoặc phục hồi danh dự nếu đại biểu bị kết án sai hoặc bị truy tố không có căn cứ.
Về điều kiện mất tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, quy định hiện tại nêu "đại biểu bị kết tội thì đương nhiên mất tư cách nhưng không làm rõ trường hợp án treo và các hình phạt không tước quyền công dân". Ông đề xuất cần bổ sung quy định cụ thể về các mức độ vi phạm có thể dẫn đến mất tư cách đại biểu để tránh cách hiểu quá rộng.
Vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là tên gọi của "kỳ họp Quốc hội bất thường", đại biểu Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội) cho biết, tại Quốc hội khóa 14 nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu và được Phó Chủ tịch Quốc hội khi đó giải thích rằng điều này đã được quy định trong Hiến pháp.
"Tuy nhiên, đến khóa 15 tôi rất hoan nghênh là chúng ta có rất nhiều kỳ họp bất thường, cho đến bây giờ là kỳ họp thứ 9, phải nói rất kịp thời, rất cần thiết để giải quyết những vấn đề của đất nước. Tôi đánh giá rất cao về việc này. Nhưng ở đây còn lăn tăn một chút là chữ "bất thường"... nghe hơi bất thường và hơi căng, cho nên nếu được thì điều chỉnh lại tên một chút và tôi nhất trí gọi là không thường kỳ", ông Trí bày tỏ quan điểm.
Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, việc họp không thường kỳ, khi nào nhân dân cần, đất nước cần thì họp, họp thật hiệu quả, thật hợp lý và tiết kiệm thời gian.
Đại biểu Lê Xuân Thân (đoàn Khánh Hòa) cũng cho ý kiến rất kỹ về "kỳ họp bất thường". Ông cho biết, các kỳ họp ngoài kỳ họp thường lệ cho tới nay là kỳ họp thứ 9 và các nội dung đều là các chuyên đề (về tổ chức cán bộ, lập pháp, giám sát, tổ chức bộ máy).
"Tuy nhiên, chúng ta vẫn sử dụng từ là họp bất thường, nghiên cứu tại khoản 2 Điều 90 của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành thì tại khoản 2 quy định là Quốc hội họp thường lệ mỗi năm 2 lần và nếu như có ý kiến đề nghị của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc đề nghị của 1/3 số đại biểu Quốc hội thì Quốc hội họp bất thường", ông Thân viện dẫn luật.
Ông Thân cũng nêu Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013 đều quy định Quốc hội mỗi năm họp thường lệ là 2 kỳ. Đất nước trải qua cả một giai đoạn phát triển và xây dựng, đặc biệt hiện nay toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện chủ trương cải cách bộ máy tổ chức, đổi mới việc xây dựng pháp luật. Vì vậy, Quốc hội ngoài 2 kỳ họp thường kỳ thì có thể họp rất nhiều kỳ họp chuyên đề.
Đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị bổ sung quy định: "Ngoài trường hợp họp thường lệ và bất thường quy định tại khoản 2 điều này thì Quốc hội có thể họp chuyên đề theo triệu tập của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội”.
Điều hành thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, hiện nay Chính phủ họp thường kỳ mỗi tháng một lần nhưng Chính phủ đã họp chuyên đề xây dựng pháp luật, "có khi tháng mấy lần, bây giờ có khi tuần họp một lần".
Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã sửa là có phiên họp HĐND theo chuyên đề và đột xuất.
Với từ "bất thường" trong Luật Tổ chức Quốc hội đang được thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh "bất thường" không có nghĩa là "gì đó nguy hiểm". Có thể giải thích từ "bất thường" là không thường kỳ.
Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ ý kiến của đại biểu Lê Xuân Thân "nếu thêm kỳ họp chuyên đề thì đại biểu Quốc hội cho thêm ý kiến"...