Đại biểu đề xuất không mở rộng thẩm quyền công chứng về giao dịch bất động sản

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị cần cân nhắc kỹ việc mở rộng thẩm quyền công chứng về giao dịch bất động sản; bởi nếu không cẩn thận, người dân sẽ lãnh chịu hậu quả.

Chiều 17-6, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội dự Luật Công chứng sửa đổi.

Điều 41 của dự thảo Luật giới hạn thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản của CCV trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở, trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản vợ chồng và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ các văn bản này.

Nội dung này được kế thừa từ quy định của Luật Công chứng hiện hành.

Về nội dung này, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật đề nghị tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, làm rõ tính phù hợp của quy định nêu trên, đồng thời xem xét chỉnh lý theo hướng mở rộng phạm vi các giao dịch về bất động sản được công chứng không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội dự Luật Công chứng sửa đổi.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình Quốc hội dự Luật Công chứng sửa đổi.

Theo Ủy ban Pháp luật, hiện chưa có nghiên cứu hay số liệu cụ thể nào chứng minh về mức độ thiếu an toàn nếu công chứng viên chứng nhận giao dịch bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố nơi tổ chức hành nghề công chứng của mình đặt trụ sở.

Trong khi đó những bất tiện do việc quy định về phạm vi đơn vị hành chính có bất động sản được công chứng đã ảnh hưởng đến nhiều giao dịch. Ví dụ, giao dịch phân chia di sản thừa kế, thế chấp, cho thuê có đối tượng là nhiều bất động sản nằm rải rác ở nhiều địa phương khác nhau.

Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai, nhà ở, bất động sản khác đã được xây dựng và đang dần đưa vào khai thác; cơ sở dữ liệu công chứng, công chứng điện tử cũng đang dự kiến được áp dụng sẽ dần xóa bỏ các rào cản về địa lý bằng các giải pháp công nghệ.

Do vậy, việc duy trì quy định về giới hạn thẩm quyền công chứng trong phạm vi đơn vị hành chính có bất động sản sẽ gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện công chứng.

Quy định này cũng không còn phù hợp với chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước và cung ứng dịch vụ công hiện nay.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng không nên quy định hạn chế về địa điểm công chứng để bảo đảm tính thống nhất về kiến nghị mở rộng phạm vi công chứng viên được công chứng đối với giao dịch bất động sản.

Góp ý về nội dung này tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) cho rằng cần cân nhắc kỹ ý kiến nêu trên. Bà đề nghị nên giữ nguyên như quy định hiện hành là giới hạn thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản của công chứng viên trong phạm vi đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Theo bà Hạnh, dù hiện nay đã có các cơ sở dữ liệu chung và vẫn đang tiếp tục được xây dựng, tuy nhiên sự chính xác của các số liệu cũng như thông tin liên quan đến dữ liệu phải có quá trình để hoàn thiện và làm đầy, đặc biệt là về tính chính xác. Cạnh đó, hạ tầng, trang thiết bị của các địa phương cũng chưa có được đồng đều nên nếu đặt vấn đề bỏ địa hạt trong các hợp đồng giao dịch về bất động sản ngay từ bây giờ sẽ khó.

Đại biểu Hạnh cũng cho rằng hiện nay tình trạng giả mạo trong các hợp đồng công chứng, lừa đảo công nghệ đang diễn ra rất nhiều… nếu chưa có sự hoàn thiện về cơ sở dữ liệu, sự đồng bộ về trang thiết bị, các biện pháp phòng ngừa thì việc cho phép này sẽ rất nguy hiểm.

“Hậu quả của việc này là rất lớn và người lãnh chịu hậu quả sẽ là người dân” – đại biểu Hạnh nhấn mạnh.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/dai-bieu-de-xuat-khong-mo-rong-tham-quyen-cong-chung-ve-giao-dich-bat-dong-san-post796103.html