Đại biểu Hà Ánh Phượng trăn trở về bạo lực học đường tại Quốc hội

Đại biểu Hà Ánh Phượng nêu quan điểm, những thông tin đau lòng gần đây cho thấy ngay cả với trường công, trường tư hay trường quốc tế cũng xảy ra bạo lực học đường và để lại những hậu quả đáng tiếc.

Đại biểu Hà Ánh Phượng đã có những chia sẻ liên quan đến bạo lực học đường.

Đại biểu Hà Ánh Phượng đã có những chia sẻ liên quan đến bạo lực học đường.

Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, chiều 1/6, cô giáo - đại biểu Hà Ánh Phượng (đoàn Phú Thọ) đã nêu những trăn trở của mình liên quan đến các vấn đề nóng của giáo dục như bạo lực học đường, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới...

Bạo lực học đường xảy ra ở cả trường công, trường tư, trường quốc tế

Đại biểu Hà Ánh Phượng nhận định, tại nước ta, vấn đề sức khỏe tâm thần, đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.

“Những thông tin đau lòng gần đây cho thấy ngay cả với trường công, trường tư hay trường quốc tế cũng xảy ra những hậu quá đáng buồn về bạo lực học đường, cùng đó là vấn nạn bắt nạt, bạo lực trên không gian mạng”, cô giáo Phượng trăn trở.

Bên cạnh đó, cô Phượng cho rằng, chất lượng hoạt tư vấn tâm lý học đường chưa thật sự hiệu quả mặc dù đã có nghị định số 80 của chính phủ năm 2017 về quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh , thân thiện, phòng chống bạo lực học đường…

Theo kết quả của một nghiên cứu gần đây về việc thực hiện Thông tư 31, Thông tư 33 của Bộ GD&ĐT. Hầu hết các trường đều gặp khó khăn trong việc bố trí cơ sở vật chất, nhân lực chuyên trách, không gian tham vấn tâm lý cho trẻ em, kinh phí chi cho hoạt động tư vấn còn hạn chế, chính sách hỗ trợ cho giáo viên tư vấn chưa thỏa đáng. Việc triển khai còn nặng về hình thức đáp ứng các quy định như biển phòng, hoặc các chương trình đào tạo chớp nhoáng lấy chứng nhận mà chưa thực sự đi vào thực tiễn.

Về phía học sinh, các em còn ngần ngại khi tiếp cận phòng tư vấn, không sẵn sàng chia sẻ hoặc tâm sự với các thầy cô giáo, là những người đang trực tiếp giảng dạy mình.

Vì vậy, để xây trường học an toàn, trường học chất lượng, trường học hạnh phúc. Các địa phương cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý chuyên môn nâng cao năng lực tư vấn cho giáo viên và sự phối hợp của phụ huynh qua các khóa học cả dài hạn và ngắn hạn, được triển khai liên tục có đánh giá, có chương trình, có sổ tay thay vì chỉ là các hội thảo, hội nghị.

Từ đó, đại biểu Hà Ánh Phượng mong muốn trong thời gian tới sẽ có chính sách tuyển nhân viên làm công tác tâm lý toàn thời gian, được đào tạo bài bản tại các nhà trường. Bên cạnh đó cần nghiên cứu việc lồng ghép giảng dạy bộ môn cảm xúc xã hội như tại một số quốc gia phát triển trên thế giới như Singapore, Mỹ... và nâng cao vai trò của công tác tư vấn học đường tương đương với công tác nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường.

"Tôi tin rằng nếu chúng ta thực sự coi trọng vấn đề này, như coi trọng kết quả học tập, thi cử, điểm tổng kết thì dù có bao nhiêu khó khăn chúng ta cũng sẽ tìm ra cách thức phù hợp để triển khai. Cha mẹ cần thấu hiểu, nhà trường đừng đặt nặng thành tích, xã hội bớt phán xét đi", đại biểu Hà Ánh Phượng nêu.

Trăn trở việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới tại vùng sâu vùng xa

Theo đại biểu Hà Ánh Phượng, Chương trình giáo dục phổ thông mới đã và đang đi đúng tinh thần của nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, nghị quyết 88- QH 13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Đề án về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) GDPT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đại biểu Phượng đánh giá rất cao việc Bộ GD&ĐT đã sát sao trong việc bồi dưỡng năng lực giáo viên - yếu tố quan trọng nhất góp phần triển khai thành công chương giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, đại biểu vẫn còn trăn trở một số vấn đề liên quan tới việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông ở khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa.

Theo đại biểu Hà Ánh Phượng, kết quả thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh năm 2021 cho thấy, một biểu đồ hình sin bất thường, khi lần đầu tiên xuất hiện 2 đỉnh điểm trong cùng một phổ điểm. Trong đó, đỉnh thứ nhất nằm trong quãng 4-5 điểm và đỉnh thứ hai nằm trong khoảng 7-9 điểm. Như vậy, vẫn còn có sự chênh lệch khá lớn về chất lượng dạy và học môn Tiếng Anh giữa các vùng miền và khoảng cách này, cần sớm được rút ngắn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Để thực hiện chương trình mới, các trường học trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã tiến hành rà soát, đánh giá nhu cầu SGK, trang thiết bị dạy học theo danh mục tối thiểu quy định của Bộ GD&ĐT. Sau khi rà soát, các nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch đăng kí mua sắm, vận động tài trợ để đảm bảo các trang thiết bị tối thiểu phục vụ hoạt động dạy và học.

Tuy nhiên, do số lượng thiết bị theo danh mục tối thiểu theo quy định của chương trình mới khá nhiều, trong khi việc cấp, mua sắm cũng như vận động tài trợ hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặc biệt là cấp tiểu học tai các huyện miền núi còn khó khăn.

Có nhiều địa phương trước đây được đầu tư nhưng hiện tại nhiều thiết bị đã hư hỏng nhiều và hoạt động kém hiệu quả. Bên cạnh đó là nguồn nhân lực của bộ môn Tiếng Anh và Tin học cả về chất lượng và số lượng còn gặp nhiều thách thức.

Vì vậy, đại biểu Hà Ánh Phượng đề nghị Quốc hội, Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ về SGK, thiết bị dạy học. Đồng thời, có chính sách cụ thể để thu hút, điều phối nguồn nhân lực là các giáo viên dạy tiếng Anh, dạy kỹ năng sống, dạy tin học về với vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo hoặc đẩy mạnh các chương trình thanh niên tình nguyện nhằm đảm bảo quyền được tiếp cận với giáo dục chất lượng của học sinh các vùng khó khăn.

Phi Khanh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-bieu-ha-anh-phuong-tran-tro-ve-bao-luc-hoc-duong-tai-quoc-hoi-185813.html