Đại biểu HĐND tỉnh đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp, sáp nhập và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024
Trong phiên làm việc sáng 10/12, dưới sự điều hành của các đồng chí: Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Thị Lộc, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Đồng Văn Lưu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa X chia tổ thảo luận về các nội dung trình tại kỳ họp.
Tại các tổ thảo luận, đa phần đại biểu đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về việc sắp xếp, sáp nhập và đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2024.
Một số đại biểu cho rằng: Các thôn, tổ đã lấy ý kiến của người dân và được đồng thuận cao nên thực hiện sáp nhập để tránh việc đã lấy ý kiến mà sau đó không thực hiện sẽ ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, tuyên truyền sáp nhập trong những lần tiếp theo.
Sau khi sáp nhập các thôn, tổ dân phố, đề nghị UBND tỉnh dành nguồn lực để đầu tư xây dựng các tuyến đường, nhà văn hóa, đường điện để đảm bảo hoàn thiện hạ tầng, giao thông, thiết chế văn hóa cho người dân. Đồng thời, xem xét tăng mức chi hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách ở thôn sau khi sáp nhập.
Bên cạnh đó, hiện nay HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định tiêu chí thành lập và tiêu chí về số lượng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự; một số mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, một số trường hợp đã công tác nhiều năm, nay sáp nhập sẽ dôi dư và phải nghỉ công tác, ảnh hưởng đến tâm lý và chế độ chính sách của người đã tham gia.
Một số đại biểu cho rằng: Các trường hợp sáp nhập, ngoài việc căn cứ ý kiến của cử tri cần xem xét thêm các yếu tố đặc thù của các thôn, tổ như văn hóa, kinh tế, thế mạnh, dân tộc, an ninh trật tự, khoảng cách của từng địa phương… đảm bảo phù hợp với thực tiễn. Cần có chỉ đạo một cách thống nhất về yếu tố đặc thù. Đồng thời, cân nhắc rà soát lại toàn bộ các thôn, tổ dân phố nếu đủ điều kiện thì sáp nhập, nếu vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về nhiều yếu tố (đặc biệt là các yếu tố đặc thù) thì xem xét, tạm dừng và làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, thống nhất trong tổ chức thực hiện.
UBND các huyện, thành phố phải khẳng định các thôn, tổ dân phố đủ điều kiện sáp nhập, chịu trách nhiệm đối với các phương án đang trình HĐND tỉnh để đại biểu có cơ sở xem xét; tỉnh sẽ không có nguồn làm đường, nhà văn hóa cho các thôn sáp nhập do đó các huyện phải khẳng định có nguồn kinh phí để thực hiện, có lộ trình đầu tư.
Đề nghị thuyết minh về cơ sở thực tiễn của việc sáp nhập các nhóm hộ không thuộc Dự án 513 tại thành phố Bắc Kạn, việc sáp nhập có đảm thuận lợi hơn cho công tác quản lý, sinh hoạt của người dân không?
Tại phụ lục kèm dự thảo nghị quyết, đề nghị xem xét chỉnh sửa lại cách đánh số thứ tự để không bị rời rạc và đảm bảo khoa học, dễ hiểu.
Các đại biểu HĐND đơn vị bầu cử huyện Ngân Sơn cho rằng: UBND tỉnh đang trình sáp nhập 3 thôn Bản Giang, Khau Thốc, Nà Coóc tại xã Thuần Mang để thành lập 1 thôn có tên là Bản Giang. Mặc dù quá trình thực hiện đảm bảo theo quy định, được sự đồng thuận của người dân. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về việc sáp nhập các thôn khi khoảng cách tương đối xa, cụ thể: Thôn Bản Giang đến thôn Nà Coóc là 7km, thôn Bản Giang đến thôn Khau Thốc là 4km, trong khi đó thôn Khau Thốc và thôn Nà Coóc hiện nay chưa có điện, thông tin liên lạc hạn chế.
Đại biểu HĐND đơn vị bầu cử huyện Bạch Thông đề nghị xem xét lại khoảng cách giữa các thôn tại xã Nguyên Phúc đảm bảo chính xác. Cụ thể: Theo tờ trình của UBND tỉnh khoảng cách các thôn như sau: Khuổi Bốc - Nam Yên; Ngoàn - Nà Cà - Quăn; Nà Lốc - Pác Thiên đều là 3,5km nhưng thực tế số liệu trên là chưa chính xác.
Tại Báo cáo tiếp thu, giải trình số 840/BC-UBND ngày 06/12/2024, UBND tỉnh đã đưa ra khỏi phương án sáp nhập đối với các thôn Nà Phja - Khuổi Đẳng - Pù Cà. Tuy nhiên, thực tế các thôn này đi lại thuận lợi, đề nghị tiếp tục đưa vào phương án sáp nhập.
Đề nghị không sáp nhập đối với các thôn Khuổi Bốc - Nam Yên, xã Nguyên Phúc do tỷ lệ cử tri đồng thuận chưa cao; các thôn Khuổi Lừa - Chi Quảng B - Nà Phải (thị trấn Phủ Thông) mặc dù cử tri đồng ý nhưng mong muốn xem xét để lại thôn Khuổi Lừa vì đây là thôn đồng bào dân tộc Dao có nét văn hóa riêng, tuy nhiên vẫn phải thực hiện đổi tên thôn thành tổ dân phố vì thuộc thị trấn Phủ Thông.
Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử huyện Ba Bể nêu ý kiến: Đề nghị không sáp nhập các thôn Cốc Diển - Cốc Muồi, xã Phúc Lộc tại kỳ họp này. Sáp nhập 02 thôn Lủng Quang - Lẻo Keo, xã Quảng Khê, ban đầu người dân thống nhất tên sau sáp nhập là “Khuổi Màn”, sau thời điểm Tổ đại biểu HĐND tỉnh khảo sát thì người dân lấy ý kiến lại và thống nhất tên thôn là “Hợp Thành”, do đó đề nghị xem xét điều chỉnh tại dự thảo nghị quyết.
Tại Báo cáo tiếp thu, giải trình số 840/BC-UBND ngày 06/12/2024, UBND tỉnh đã đưa 08 thôn tại huyện Ba Bể ra khỏi phương án sáp nhập. Đề nghị để nguyên 8 thôn sáp nhập như ban đầu tại Tờ trình số 245/TTr-UBND ngày 15/11/2024.
Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử huyện Pác Nặm đề nghị không sáp nhập thôn Phai Khỉm - Vi Lạp, xã Nhạn Môn do một số hộ theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, việc sáp nhập làm ảnh hưởng chung đến các hoạt động của thôn.
Đại biểu HĐND tỉnh đơn vị bầu cử huyện Chợ Đồn đề nghị bổ sung tên tổ dân phố đầy đủ là “Tổ dân phố số…” (ví dụ các huyện các ghi đầy đủ “Tổ dân phố số 3” nhưng riêng huyện Chợ Đồn chỉ ghi “Tổ dân phố 3”. Đề nghị chỉnh sửa tên thôn “Đồn Dài” (gồm thôn Bản Đồn và thôn Bản Dài), xã Yên Thịnh, huyện Chợ Đồn thành thôn Tân Thịnh (theo Văn bản đề nghị số 596/BC-UBND ngày 25/11/2024 của UBND huyện).
Đối với các dự thảo nghị quyết, các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến cụ thể tâm huyết, Báo Bắc Kạn sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.