Đại biểu HĐND TP đề nghị gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ các dự án

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tư HĐND TP Hà Nội khóa XVI, sáng 8/4, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận tại tổ về các nội dung được UBND TP trình tại Kỳ họp. Trong đó, đáng chú ý, các đại biểu đề nghị TP quan tâm gỡ vướng các dự án chậm triển khai.

Xây mới, cải tạo trường học là nội dung cấp bách

Tại tổ 2, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Quang Thanh cho rằng việc xây dựng mới, cải tạo trường học là những nội dung cấp bách, cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đây là những nội dung vừa dễ vừa khó.

“Hà Nội là nơi mật độ dân số quá đông, các quận trung tâm không tìm được vị trí để xây trường. Các huyện ngoại thành tìm được đất lại không có tiền. Đây là nghịch lý gây khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì thế có điều chỉnh cấp độ trường chuẩn để phù hợp với đặc thù của từng địa phương tại Hà Nội” – ĐB Phạm Quang Thanh chia sẻ.

Các đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ

Các đại biểu HĐND TP thảo luận tại tổ

Bên cạnh đó, đối với trường công lập ở ngoại thành, mỗi lần thay đổi tiêu chế trường chuẩn công lập thì lại tăng tổng mức đầu tư dự án lên, gây khó khăn cho việc cân đối nguồn vốn ngân sách cấp huyện.

Trong khi đó, tại tổ 5, ĐB Nguyễn Quang Hiếu – Bí thư Quận ủy Hoàng Mai cho biết, việc xây dựng trường học, phục vụ con em trên địa bàn vẫn đang gặp vướng mắc, thủ tục chậm. Công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng trường THPT trên địa bàn kéo dài tới gần 10 năm.

Theo ĐB Nguyễn Quang Hiếu, liên quan vấn đề đầu tư công, đối với những dự án cấp thiết, phải sớm phê duyệt đầu tư dự án. Ví dụ dự án đường vành đai 2,5 trên địa bàn quận bị chậm 2 năm dù đã cơ bản GPMB xong.

Gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ các dự án

Về kế hoạch đầu tư cải tạo các trường học, bệnh viện, công trình văn hóa, ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) cho biết, rất nhiều dự án đang phải phải điều chỉnh định mức và giá xây dựng, ảnh hưởng nhiều đến tiến độ, do đó cần có cơ chế định mức, đơn giá linh hoạt. Hiện nay, nhiều nhà thầu đang phải tạm dừng các dự án, nếu không tạm dừng sẽ bị lỗ nặng.

“Liên quan đầu tư công trung hạn, chúng ta phải quan tâm đến các công trình hạ tầng. Ví dự như đường vành đai 2,5, quy hoạch 10-15 năm nhưng vẫn “tắc”. Các tuyến đường Nguyễn Trãi, đường vành đai 2,5, đường Lê Văn Lương... là các tuyến đường kết nối Đông – Tây, lưu lượng lớn, do đó, chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ đường vành đai 2,5 để giảm tải các trục đường Nguyễn Trãi, đường Lê Văn Lương” - ĐB Nguyễn Minh Đức nêu kiến nghị.

ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) đề nghị sớm tháo gỡ các dự án ách tắc do quy định pháp lý chưa rõ ràng

ĐB Nguyễn Minh Đức (tổ Hoàng Mai) đề nghị sớm tháo gỡ các dự án ách tắc do quy định pháp lý chưa rõ ràng

Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Minh Đức, tuyến đường Minh Khai - Ngã Tư Sở đã cơ bản hoàn thành, nhưng từ Ngã Tư Sở đến Bưởi là điểm nghẽn về giao thông, do đó, TP phải có kế hoạch sớm kết nối tuyến đường này.

Về ách tắc trong các dự án đầu tư, ĐB Nguyễn Minh Đức nêu ví dụ về dự án nhà của cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, khởi động từ năm 2010, đến nay đã GPMB được 3 năm, nhưng vẫn đang “tắc”, còn phải đợi giao đất mới có thể động thổ. Việc chuyển tiếp về quy định pháp lý chưa rõ ràng nên dự án bị ách tắc, cần phải sớm tháo gỡ.

Cần có cơ chế thu hồi dự án kịp thời

Đối với các dự án sử dụng đất chậm triển khai, thảo luận tại tại tổ 2, theo ĐB Phạm Quang Thanh, nên cân nhắc chuyện giao dự án nhanh, đúng quy trình thủ tục, nhưng nếu chậm triển khai sau 24 tháng thì dứt khoát phải thu hồi.

“Mặc dù luật đã quy định, nhưng thực tiễn để làm thì không hề đơn giản. Đặc biệt có nhiều dự án GPMB dở dang nên rất khó để thu hồi. Cơ chế để thu lại dự án đó cho nhà đầu tư mới cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Nếu chúng ta không có cơ chế thu hồi dự án từ nhà đầu tư cũ, giao lại dự án cho nhà đầu tư mới rõ ràng, nhanh, kịp thời thì dự án đó lại thành dự án treo” - ĐB Phạm Quang Thanh trăn trở.

Các đại biểu HĐND TP trao đổi tại phiên thảo luận tổ

Các đại biểu HĐND TP trao đổi tại phiên thảo luận tổ

ĐB Nguyễn Văn Luyến - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC cho rằng, số lượng các dự án chậm triển khai, chưa đảm bảo hiệu quả sử dụng đất là vấn đề nhức nhối. “Các cơ quan ban ngành cần phân định rõ từng hạng mục công trình dự án, nguyên nhân chậm triển khai. Đối với các dự án chủ đầu tư đang có nhưng vướng mắc về cơ chế chính sách, vướng mắc yếu tố pháp lý thì đề nghị lãnh đạo TP, sở ngành giải bài toán này để chủ đầu tư triển khai dự án” – ĐB Nguyễn Văn Luyến nói.

Mặt khác, phải quản lý sát sao hơn công tác đấu thầu, đấu giá các dự án, tránh tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực thực sự để triển khai. Đối với các DN có quyền sử dụng đất hợp pháp muốn triển khai dự án phù hợp với quy hoạch được giao, ĐB Luyến đề nghị TP chấp thuận chủ trương, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động triển khai theo đúng quy định.

Về các dự án sử dụng đất chậm triển khai, ĐB Phạm Đình Đoàn cho rằng còn rất nhiều vướng mắc. Các dự án chưa được giao đất và cho thuê đất chỉ có 11/135 dự án là đúng tiến độ. Các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì chỉ có 96/404 dự án thực hiện.

“Mấu chốt vấn đề là việc xây dựng kế hoạch lập dự án còn sơ sài, chưa tính kỹ hoặc vội vàng nên dẫn việc có nhiều dự án sử dụng đất chậm triển khai” – ĐB Phạm Đình Đoàn phân tích và cho rằng, nên có chế tài rõ, đặc biệt là đội ngũ nhân lực ở các ban quản lý dự án cần có hướng xử lý tận gốc vấn đề.

Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Quang Hiếu – Bí thư Quận ủy Hoàng Mai, trên địa bàn quận Hoàng Mai có 39 dự án chậm, muộn, quận đã tách ra nguyên nhân chủ quan, khách quan. Đồng thời, đã đề xuất nhiều văn bản về các dự án này, có thể thu hồi, đấu thầu, đấu giá, cần phải có chế tài xử lý nghiêm...

Hồng Thái - Thủy Tiên. Ảnh: Thanh Hải

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dai-bieu-hdnd-tp-de-nghi-go-vuong-day-nhanh-tien-do-cac-du-an.html