Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh kiến nghị cần có đội quản lý trật tự đô thị phường, xã
Đại biểu HĐND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đội quản lý trật tự đô thị từ trước tới nay hoạt động rất hiệu quả, vì vậy cần duy trì đội quản lý trật tự đô thị tại các phường, xã.

Đội quản lý trật tự đô thị đã hoạt động rất hiệu quả trong 10 năm qua. Ảnh: Văn Dũng
Tại Kỳ họp thứ 2, HĐND TP. Hồ Chí Minh Khóa X, nhiều đại biểu đã nêu ý kiến, kiến nghị về việc cần duy trì đội quản lý trật tự đô thị tại các phường, xã sau khi chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung cho biết, đội quản lý trật tự đô thị đã hoạt động rất hiệu quả sau 10 năm được thành lập. Nhưng từ từ ngày 1/7/2025, khi cấp huyện kết thúc hoạt động thì đồng nghĩa với việc Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Kinh tế - Hạ tầng – Đô thị không còn hoạt động.
Trong khi đó, UBND phường, xã chưa có chủ trương thành lập đội trật tự đô thị trên địa bàn. Trong khi đó, UBND phường, xã vừa qua được phân cấp các nội dung liên quan đến lĩnh vực xây dựng.
Đại biểu Tuyết Nhung đánh giá, việc duy trì đội quản lý trật tự đô thị rất cần thiết, nhất là với những phường đông dân, vì đây là khu vực có tốc độ phát triển đô thị rất nhanh với nhiều cụm công nghiệp, dự án nhà ở. Nếu không có đội quản lý trật tự đô thị chuyên ngành thì rất khó để quản lý.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung nêu kiến nghị về việc cần duy trì đội quản lý trật tự đô thị tại các phường, xã. Ảnh: Văn Dũng
Từ sự cần thiết từ thực tế, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung kiến nghị sớm xem xét, nghiên cứu ban hành cơ chế phù hợp để tiếp tục duy trì và kiện toàn đội ngũ quản lý trật tự đô thị tại cấp cơ sở. Việc này là hết sức cần thiết nhằm giúp các phường chủ động, hiệu quả hơn trong công tác đảm bảo trật tự đô thị trên địa bàn.
Vì vậy, đại biểu Nhung kiến nghị có chủ trương để UBND phường, xã, đặc khu được thành lập đội quản lý trật tự đô thị chuyên ngành.
Trả lời kiến nghị của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, khi cấp huyện kết thúc hoạt động, mô hình chính quyền cấp xã không còn lực lượng thực hiện chức năng như đội quản lý trật tự đô thị trước đây.
Hiện chức năng này được giao về cho các phòng như kinh tế, hạ tầng đô thị ở phường, xã thực hiện quản lý chung.

Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh Võ Hoàng Ngân cho rằng UBND phường, xã, đặc khu cần phải có đội quản lý trật tự đô thị. Ảnh: Văn Dũng
Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh Võ Hoàng Ngân nhấn mạnh, hiện nay chức năng quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng tại phường, xã chưa rõ nét, biên chế tại các phòng chuyên môn thực hiện nhiệm vụ ít, khó đảm bảo việc tuần tra, kiểm tra xử lý vi phạm.
Trong khi đó, lực lượng Thanh tra Sở Xây dựng đã giải tán, chuyển thành phòng kiểm tra chuyên ngành, không còn tính chất như lực lượng thanh tra trước đây. Thời gian qua, Sở Xây dựng đã tạm thời phân bố các lực lượng phối hợp với các phường để kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng đây chỉ là giải pháp trước mắt.
Vì vậy, UBND phường, xã, đặc khu cần phải có đội quản lý trật tự đô thị để giải quyết nhu cầu của người dân một cách nhanh chóng.
Sở Xây dựng và Sở Nội vụ cũng đã nhiều lần trao đổi về vấn đề này để tham mưu UBND Thành phố có cơ chế để UBND phường, xã, đặc khu được tổ chức lực lượng quản lý trật tự đô thị để kiểm tra, xử lý kịp thời các vi phạm về trật tự đô thị, trật tự xây dựng.
Chiều 24/7, sau một ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, HĐND TP. Hồ Chí Minh Khóa X đã bế mạc Kỳ họp thứ 2 với 7 báo cáo chuyên đề và 19 Nghị quyết quan trọng được thông qua.
Trong đó, quyết nghị các nội dung chuyên đề nhằm giải quyết những vấn đề phát sinh sau hợp nhất đơn vị hành chính và ban hành các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân như cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đối với chủ đầu tư tham gia cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn Thành phố; Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ % phân chia các khoản thu cho từng cấp ngân sách ở Thành phố năm 2025.
Sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 30/2023/NQ-HĐND của HĐND TP. Hồ Chí Minh về việc sử dụng ngân sách thành phố hỗ trợ địa phương khác trong nước, địa phương tại quốc gia khác; Định mức phân bổ dự toán chi hoạt động của các cơ quan Nhà nước; Tiếp nhận kế hoạch đầu tư công của 3 tỉnh/thành trước sắp xếp và giao UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và năm 2025 nguồn vốn ngân sách địa phương.
Quy định chế độ hỗ trợ đối với lực lượng cộng tác viên Đội Quản lý trật tự đô thị và người ký hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế của Hội Chữ thập đỏ cấp huyện (cũ) nghỉ việc do thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh; Quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập; Thông qua việc đặt tên đường và điều chỉnh lý trình trên địa bàn thành phố…
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Minh nhấn mạnh, sau kỳ họp này đại biểu HĐND Thành phố khẩn trương tổ chức tiếp xúc cử tri, kịp thời thông tin đến nhân dân về nội dung kỳ họp; tuyên truyền, giải thích những nghị quyết đã được thông qua; đồng thời tiếp tục lắng nghe, ghi nhận và phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân đến HĐND, UBND thành phố để kịp thời điều chỉnh chính sách, góp phần xây dựng chính quyền kiến tạo, hành động và phục vụ.