Đại biểu kiến nghị hoàn thiện dự thảo nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển kinh tế
Tham gia thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển kinh tế chiều 15/5, đại biểu Trần Hồng Nguyên - Đoàn Bình Thuận nhấn mạnh sự chủ động của Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu trình Quốc hội trong một bối cảnh rất đặc biệt – từ khi Trung ương ban hành nghị quyết đến khi trình Quốc hội chỉ vỏn vẹn khoảng 10 ngày.
Qua nghiên cứu, đại biểu đánh giá hồ sơ dự thảo đáp ứng được yêu cầu, trình theo đúng thủ tục, trình tự. Nội dung bám sát tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đại biểu hoàn toàn nhất trí với cách tiếp cận của Chính phủ: Song song ban hành nghị quyết, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội cũng xem xét, thông qua nhiều dự án luật nhằm tháo gỡ khó khăn, thể chế hóa các nội dung của Nghị quyết 68, như sửa các luật: Doanh nghiệp, Đấu thầu, Phá sản, Xử lý vi phạm hành chính, Tố tụng hành chính và Tố tụng dân sự.

Đại biểu Trần Hồng Nguyễn - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, thảo luận chiều 15/5
Góp ý cụ thể, đại biểu đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 4 về thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp. Theo đại biểu, Nghị quyết 68 đã nêu rõ phải chấm dứt tình trạng thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp, kéo dài, không cần thiết; đảm bảo nguyên tắc mỗi năm chỉ thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp một lần, trừ khi có bằng chứng rõ ràng về vi phạm. Dự thảo nghị quyết đã thể chế hóa tinh thần này, tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: “Cùng một nội dung, nếu đã có cơ quan kiểm tra trước thì không tiến hành thanh tra lại, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng.” Đồng thời, nếu cơ quan kiểm tra ban đầu đã có kết luận nhưng sau này phát hiện có vi phạm thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, thanh tra. Điều này vừa hạn chế gây phiền hà cho doanh nghiệp, vừa nâng cao trách nhiệm của cơ quan thực thi.
Đối với Điều 16 về tổ chức thực hiện, đại biểu cho rằng do nghị quyết có nhiều quy định mang tính nguyên tắc, nên các văn bản hướng dẫn chi tiết của Chính phủ, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao là rất quan trọng. Đại biểu đề xuất bổ sung yêu cầu các quy định hướng dẫn phải đảm bảo dễ tiếp cận, khả thi, thuận lợi và hiệu quả. Rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 43 của Quốc hội về phục hồi kinh tế sau Covid-19, dù có chính sách tốt nhưng quy định triển khai quá phức tạp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận, đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết đưa tiêu chí khả thi vào quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành nghị quyết lần này.

Toàn cảnh phiên thảo luận tổ chiều 15/5
Về công tác rà soát pháp luật, dự thảo đã quy định trong năm 2026 sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần chỉ rõ ba lĩnh vực cần được ưu tiên rà soát ngay từ đầu, gồm: pháp luật về đất đai, quy hoạch và đầu tư – vì đây là những lĩnh vực có nhiều quy định hiện hành chưa thực sự tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân.
Góp ý cuối cùng liên quan đến hiệu lực thi hành của nghị quyết (Điều 17), đại biểu cho rằng mặc dù dự kiến nghị quyết được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này và có hiệu lực ngay, nhưng do nội dung nghị quyết mang tính nguyên tắc, cần có thêm thời gian để Chính phủ, các cơ quan liên quan ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn thi hành, nên đề xuất chọn mốc 1/7/2025 là thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Theo đại biểu, lựa chọn này sẽ phù hợp hơn, đảm bảo tính khả thi và đồng bộ khi triển khai nghị quyết vào thực tiễn.
Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân nhằm tạo đột phá trong việc thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết là hình thành môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và minh bạch, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng đổi mới sáng tạo và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Dự thảo đề xuất nhiều nhóm chính sách lớn như: tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai thông qua đấu giá, đấu thầu công khai; rà soát quy hoạch sử dụng đất phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Về tài chính, tín dụng và thuế, dự thảo kiến nghị áp dụng thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tín dụng qua cơ chế bảo lãnh và quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với đầu tư. Chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cũng được nhấn mạnh, thông qua các ưu đãi về thuế, hỗ trợ nghiên cứu – phát triển, hình thành mạng lưới cố vấn và trung tâm khởi nghiệp.
Ngoài ra, dự thảo khuyến khích doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nhân lực, và đẩy mạnh hợp tác công – tư trong các lĩnh vực hạ tầng, y tế, giáo dục. Để đảm bảo hiệu quả thực thi, dự thảo giao Chính phủ rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan, ban hành kế hoạch triển khai cụ thể và tăng cường giám sát thực hiện, bảo đảm công khai, minh bạch và hiệu quả trong toàn bộ quá trình