Tháo gỡ nút thắt thể chế, tạo đột phá phát triển kinh tế tư nhân và công tác lập pháp

Chiều 15/5, tại Tổ 17, các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đã thảo luận sôi nổi về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu thảo luận.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh phát biểu thảo luận.

Tại buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Duy Thanh kiến nghị cần mạnh dạn bỏ quy định về “chấp thuận chủ trương đầu tư” đối với doanh nghiệp, một thủ tục hành chính còn mang nặng tính “xin - cho” và can thiệp sâu vào hoạt động đầu tư, kinh doanh. Theo đại biểu, quy định này hiện nay không chỉ gây lãng phí thời gian, chi phí, mà còn cản trở đổi mới, sáng tạo và tạo ra rủi ro pháp lý cho nhà đầu tư khi dự án bị thay đổi so với chủ trương đã được phê duyệt.

Đại biểu nhấn mạnh: “Nhà đầu tư cần được trao quyền quyết định về mục tiêu, địa điểm, quy mô và hình thức đầu tư theo đúng nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, thay vì bị kiểm soát hành chính từ đầu đến cuối như hiện nay”. Ông cho rằng, quản lý Nhà nước cần tập trung vào hậu kiểm thông qua các công cụ như đánh giá tác động môi trường, giấy phép xây dựng, phòng cháy chữa cháy… thay vì lồng ghép tất cả vào một thủ tục đầu tư hành chính kéo dài.

Đề cập đến dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt trong công tác xây dựng pháp luật, đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng là công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố - những người trực tiếp, thường xuyên tham mưu, phục vụ đoàn ĐBQH trong việc nghiên cứu, góp ý, xây dựng và hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết. Việc bổ sung đối tượng này vào danh sách được hưởng hỗ trợ là cần thiết và hợp lý, phản ánh đúng thực tế công việc và đóng góp của đội ngũ này trong chu trình lập pháp.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh cũng tham gia thảo luận và đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần đẩy mạnh cắt giảm thực chất các thủ tục hành chính, đúng tinh thần Nghị quyết 68 của Chính phủ về cải cách thể chế. Ông cho biết, từ đầu kỳ họp đến nay, chưa có dự thảo luật nào thể hiện rõ việc giảm bớt thủ tục hành chính – một nút thắt lớn cản trở doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh phát biểu thảo luận.

Đại biểu Đinh Ngọc Minh phát biểu thảo luận.

Về quyền kinh doanh, đại biểu nêu rõ: “Phải quy định cụ thể quyền của doanh nghiệp trong luật. Doanh nghiệp không thuộc diện kinh doanh có điều kiện thì cần được thả lỏng để phát triển, Nhà nước chỉ nên hậu kiểm và xử lý nghiêm khi vi phạm”. Ông cho rằng, chính sách hiện nay chưa thực sự tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân phát triển đúng vai trò là một trong những động lực của nền kinh tế.

Đặc biệt, đại biểu Minh phản ánh tình trạng “chồng chéo quy hoạch” gây ách tắc triển khai đầu tư. Ông cho rằng, hệ thống quy hoạch hiện nay quá dày đặc với 39 loại quy hoạch ngành có tính kỹ thuật, dẫn đến việc dự án bị “đóng băng” chỉ vì chưa khớp với một quy hoạch ngành, như trường hợp một trạm xăng dầu phải chờ 3 năm để được triển khai do chưa có quy hoạch ngành phù hợp.

Ông kiến nghị, chỉ giữ lại các loại quy hoạch thực sự cần thiết như quy hoạch quốc gia, quy hoạch an ninh - quốc phòng, đất lúa, rừng đặc dụng, cảng biển, sân bay, đường cao tốc... Các quy hoạch khác nên chuyển thành “chiến lược” hoặc “kế hoạch” để tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động đầu tư - sản xuất. Những quy hoạch như “quy hoạch phòng chống thiên tai”, “quy hoạch khảo cổ” hay “quy hoạch kho số viễn thông” cần được rà soát lại kỹ lưỡng và loại bỏ nếu không thực sự cần thiết.

Buổi thảo luận cho thấy rõ sự đồng thuận trong yêu cầu cải cách mạnh mẽ thể chế kinh tế, đổi mới tư duy quản lý và tạo không gian rộng mở hơn cho kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp luật với cơ chế linh hoạt, hiệu quả hơn trong thi hành.

Thúy Hằng

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/thao-go-nut-that-the-che-tao-dot-pha-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-va-cong-tac-lap-phap-a39000.html