Đại biểu lo lương tăng, giá cũng tăng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh đã tính toán kỹ để khi lương cơ sở tăng từ tháng 7 tới, mặt bằng giá không thay đổi nhiều, tuy nhiên khẳng định 'phải hết sức quan tâm để điều hành giá'.

Phú Thủ tướng: Tính toán kỹ để lương cơ sở tăng không ảnh hưởng nhiều đến giá

Ngày 8/6, sau phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Quốc hội dành thời gian để nghe Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo làm rõ các vấn đề liên quan.

Đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng, đại biểu Triệu Thị Huyền, đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái đặt vấn đề liên quan đến Nghị định tăng lương cơ sở từ 1/7 mà Chính phủ đã ban hành; trong bối cảnh giá của một số loại mặt hàng dịch vụ thiết yếu như điện, y tế, giáo dục, bảo hiểm trong thời gian tới có thể tăng theo lộ trình giá thị trường. ĐBQH tỉnh Yên Bái đề nghị Phó Thủ tướng cho biết giải pháp tổng thể về điều hành giá để đảm bảo kiểm soát lạm phát, tránh được hiệu ứng tâm lý tăng lương, tăng giá.

 Đại biểu Triệu Thị Huyền, đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Triệu Thị Huyền, đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định điều hành giá là nghệ thuật uyển chuyển trong điều kiện điều hành theo kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Việc điều hành, theo ông, phải quan tâm đến đời sống của người dân, đồng thời phải căn cứ tín hiệu của thị trường, đi từ việc nắm bắt thị trường để có kịch bản điều hành phù hợp.

Trong thực hiện các quy định của pháp luật về giá, Phó Thủ tướng quán triệt với mặt hàng Nhà nước không định giá phải niêm yết, kê khai và kiểm tra thường xuyên. Ngoài ra, cần tuyên truyền, thông tin đầy đủ để người dân hiểu được công tác hành giá của Chính phủ, tránh trường hợp lạm phát, tăng giá mà không kiểm soát được.

“Tháng 7 tới đây, Chính phủ thực hiện tăng lương cơ sở. Chúng tôi tính toán rất kỹ, sẽ không ảnh hưởng nhiều nhưng cũng phải quan tâm quản lý giá để cuối năm 2023 đạt kiểm soát lạm phát không vượt quá mục tiêu 4,5%”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ảnh: Quochoi.vn

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2023 tăng 0,01% so với tháng trước, tương ứng tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 5 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,83%.

Chuyên gia: Xu hướng thị giá leo thang đã dừng lại, áp lực lạm phát năm nay "hầu như không còn"

Trong các báo cáo vĩ mô cập nhật đầu tháng 6 gần đây, nhiều nhóm phân tích từ các công ty chứng khoán cùng chung nhận định rằng áp lực lạm phát đang dịu đi đáng kể.

 Nguồn: Diên Vỹ tổng hợp theo TCTK.

Nguồn: Diên Vỹ tổng hợp theo TCTK.

Theo nhóm phân tích Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, lạm phát trong nước sau khi tạo đỉnh vào tháng 1/2023 đã dần hạ nhiệt các tháng sau đó, với CPI bình quân 5 tháng đầu năm vẫn nằm dưới mục tiêu 2023 (4,5%). Trong khi đó, lạm phát cơ bản cũng hạ nhiệt nhưng với tốc độ chậm hơn. Cụ thể, CPI tháng 5 tăng 2,4% so với cùng kỳ so với mức đỉnh tháng 1/2023 là 4,9%. Trong khi đó, CPI cơ bản tháng 5 tăng 4,5% so với mức đỉnh tháng 1/2023 5,2%.

Tương tự, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) trong báo cáo vĩ mô hôm 6/6 chỉ ra rằng trong tháng 5, mức tăng của CPI giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do mặt bằng giá xăng dầu thấp hơn đáng kể. Trong khi đó, CPI cốt lõi tiếp tục đi ngang (4,5% so với mức 4,6% hồi tháng 4 và 4,9% hồi tháng 3) cho thấy xu hướng thị giá leo thang đã dừng lại, nhóm phân tích nhận định.

Nhận định về diễn biến CPI các tháng tiếp theo, tại báo cáo vĩ mô cập nhật ngày 5/6, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định nhu cầu tiêu dùng đang cho thấy xu hướng yếu đi do các khó khăn của nền kinh tế, điều này có thể tác động làm dịu áp lực lạm phát cả năm 2023. Kèm theo đó, sự điều hành sát sao từ phía cơ quan quản lý cũng như diễn biến thuận lợi từ thị trường quốc tế là điểm cộng với lạm phát.

“Trong năm 2023, áp lực lạm phát hầu như không còn, thậm chí lạm phát tăng thấp do nhu cầu tiêu dùng có tín hiệu yếu đi. Đây là cơ sở để NHNN thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt hơn nhằm hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng đang gặp khó”.

Theo đó, VCBS dự phóng lạm phát bình quân năm nay chỉ ở quanh mức 3%.

Cùng quan điểm lạm phát năm 2023 nhiều khả năng trong tầm kiểm soát, Chứng khoán BSC đưa ra hai kịch bản giá cho cả năm. Ở kịch bản tích cực, BSC duy trì dự báo CPI cuối năm 2023 ở mức 3,1% với các giả định chính: Giá dầu Brent trung bình dao động quanh ngưỡng 70- 90 USD/thùng; giá lợn nằm trong vùng 50 – 70 nghìn VND/ kg và cuối cùng, giá điện ước tính tăng 7% so với cuối năm 2022. Ở kịch bản tiêu cực, CPI năm nay có thể tăng 4,5%.

“Tình trạng lạm phát ổn định đang ủng hộ chính sách giảm lãi suất nhằm kích cầu tăng trưởng kinh tế của NHNN”, báo cáo của BSC nhận định.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/dai-bieu-lo-luong-tang-gia-cung-tang.html