Đại biểu lo Nhà nước mất quyền chi phối khi giảm vốn điều lệ trong DNNN
Việc thay đổi khái niệm Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cần phải cân nhắc vì đây là vấn đề lớn, quan trọng.
Nêu lo ngại của mình trong phiên thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp sáng nay (21/5), đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng việc sửa đổi quy định DNNN bao gồm các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 sẽ khiến vai trò chi phối của Nhà nước bị giảm.
Việc thay đổi khái niệm DNNN như quy định, theo đại biểu Tuyết, cần phải cân nhắc vì đây là một vấn đề lớn, quan trọng.
“Chưa rõ việc đánh giá kỹ tác động của việc thay đổi này đến hoạt động của các doanh nghiệp sẽ trở thành DNNN theo quy định của dự thảo luật lần này, đánh giá tác động đến việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc không nắm giữ cổ phần vốn góp” – bà Tuyết thắc mắc.
Đại biểu An Giang chỉ ra, việc quy định về tỷ lệ sở hữu vốn góp hoặc tổng số cổ phần, có quyền biểu quyết của nhà nước tại dự thảo luật trên 50% chưa đảm bảo sự chi phối của nhà nước đối với các quyết định quan trọng.
Từ phân tích trên đại biểu Tuyết đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xác định tỷ lệ nắm giữ vốn góp hoặc tổng số vốn cổ phần có quyền biểu quyết của nhà nước phù hợp hơn, đảm bảo việc chi phối của nhà nước trong quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp, đồng thời hài hòa với quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên có vốn góp cổ đông khác nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn tại các doanh nghiệp.
Lưu ý việc thay đổi khái niệm DNNN như trên sẽ tác động tới các tổ chức quản trị, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp..., đại biểu Trần Vĩnh Tiến (Vĩnh Phúc) yêu cầu xác định số lượng doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hiện nay, từ đó đánh giá tác động cụ thể đến các đối tượng chịu tác động trực tiếp một cách toàn diện.
“Phải đáp ứng yêu cầu không tác động xấu, ảnh hưởng đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân đảm bảo được nguyên tắc tự chủ, công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm giải trình, phân biệt rạch ròi quản lý nhà nước với quản trị doanh nghiệp” – đại biểu Tiến nêu quan điểm.
Cũng theo đại biểu này, cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và giám sát đối với hoạt động của DNNN, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát vốn tài sản nhà nước giao cho doanh nghiệp cũng như quy định chế tài về trách nhiệm với các chức vụ, chức danh trong doanh nghiệp đối với các hoạt động của mình.
Đề nghị cân nhắc việc liên tục thay đổi khái niệm DNNN, đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) e ngại việc này ảnh hưởng đến tính ổn định của văn bản luật, gây ra tâm lý băn khoăn về quyền bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp thuộc các hình thức sở hữu và thành phần kinh tế, đặc quyền tham gia quản trị doanh nghiệp của các chủ sở hữu vốn khác, vì ngoài phần vốn góp của nhà nước còn có vốn các thành phần kinh tế khác tham gia.
Ở chiều ngược lại, đại biểu Mai Hồng Hải (Hải Phòng) lại đồng tình với dự luật. Theo ông Hải, việc sửa đổi lần này theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp nói chung, chặt chẽ hơn trong quản lý nhà nước đối với DNNN là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, cụ thể hóa được chủ trương Nghị quyết Trung ương 12 về quản lý doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, ông Hải đề nghị bổ sung điều khoản về nguyên tắc quản lý doanh nghiệp nhà nước thông qua người đại diện, thậm chí kể cả phần vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn.
Về thắc mắc tỷ lệ trên 50% có đảm bảo chi phối không, ông Hải phân tích: “Nắm giữ trên 50% vốn là có quyền quyết định phần lớn khác biệt trong quản lý kinh doanh của doanh nghiệp thông qua nghị quyết đại hội đồng cổ đông hoặc hội đồng thành viên, hội đồng quản trị. Với việc nắm giữ trên 50% đảm bảo có lợi thế để quyết định và đặc biệt là hoàn toàn có quyền phủ quyết, nghĩa là có quyền chi phối đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”.
Trao đổi lại với ông Hải, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) cho biết, trên thực tiễn, trong trường hợp có sự xung đột, sự khác biệt giữa cổ đông nhà nước và cổ đông khác khi tiến hành đại hội cổ đông thì cũng rất khó khăn cho việc tổ chức lần đầu tiên.
“Điều kiện tiến hành họp đại hội cổ đông là “cuộc họp đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất”. Tôi nhắc lại là “ít nhất” chứ không phải là trên 50%, có nghĩa là phải “ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết”, tỷ lệ cụ thể do điều lệ công ty quy định” – bà Hằng nói.
Như thế, theo đại biểu Đồng Nai, với việc nắm giữ chỉ có trên 50% vốn điều lệ trong lần đầu của cuộc họp đại hội đồng cổ đông thì sẽ không tổ chức được mà phải là đến 30 ngày sau mới có thể tổ chức được.
Cũng theo bà Hằng, với việc nắm giữ trên 50% và dưới 65% của cổ đông nhà nước thì khi không được cổ đông bên ngoài đồng thuận thì nghị quyết cũng sẽ không được thông qua, bởi vì đã có quy định phải ít nhất là 65%.
“Như vậy, với quy định DNNN trên 50% vốn điều lệ thì khi đại hội cổ đông tổ chức được rồi mà khi thông qua nghị quyết cũng khó khăn, nếu có sự mâu thuẫn, sự khác biệt không thống nhất giữa cổ đông nhà nước và cổ đông khác” – đại biểu Hằng chốt lại.
Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho cho biết, nội dung sửa đổi này nhằm thể chế hóa Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII.
“Cơ quan soạn thảo cũng đã đưa ra rất nhiều phương án, đó là trên 35%, trên 50% và trên 65%, cuối cùng thống nhất phương án tối ưu là trên 50%” – ông Dũng thông tin.
Trên 50%, theo ông Dũng, cũng đã đảm bảo được quyền chi phối của nhà nước nhưng lại không tương thích với hệ thống pháp luật hiện nay. Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu và tiếp thu đầy đủ các ý kiến đó trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn chi tiết phần hoạt động của các loại hình doanh nghiệp.