ĐẠI BIỂU PHẠM THỊ THANH MAI: CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN CẢ NƯỚC SẼ TĂNG CƯỜNG GIÁM SÁT TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ XÂY DỰNG

Chia sẻ bên hành lang nghị trường sau phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã nắm rất rõ những tồn tại, hạn chế trong ngành. Trên cơ sở những vấn đề đã trao đổi tại phiên chất vấn, cử tri và nhân dân cả nước sẽ tăng cường công tác giám sát trách nhiệm của Bộ trong công tác quản lý nhà nước trên toàn lãnh thổ chứ không chỉ trên một địa bàn, địa phương.

ẤN TƯỢNG PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN NHÓM VẤN ĐỀ THUỘC LĨNH VỰC XÂY DỰNG

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 03/11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã đăng đàn trả lời các vị đại biểu Quốc hội về các vấn đề nóng bỏng như: Thực trạng giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội. Quản lý thị trường bất động sản, việc xử lý các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch huy động vốn kinh doanh bất động sản. Công tác quy hoạch và xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động nhất là tại các khu công nghiệp và các thành phố lớn. Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng ban hành thực hiện các đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá nguyên vật liệu xây dựng, bảo đảm nguồn nguyên vật liệu để xây dựng các công trình dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Trao đổi bên hành lang nghị trường sau phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai -– Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu rõ, vấn đề nhà ở xã hội đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, cử tri thành phố Hà Nội. Trong các cuộc tiếp xúc, cử tri đã nhiều lần kiến nghị liên quan đến vấn đề này.

Đặc biệt nổi lên những vấn đề “nóng” trong quá trình tổ chức thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Tại thời điểm đó, tất cả những khu nhà ở tập trung, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên đều bộc lộ ra những hạn chế. Như vấn đề về quy hoạch, quy định hiện nay về xây dựng nhà ở xã hội phải dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại có quy mô sử dụng đất từ 2ha trở lên. Tuy nhiên, điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho việc triển khai. Nhiều cử tri thành phố Hà Nội cho rằng cần phải xây dựng mô hình nhà ở xã hội tập trung để giúp khắc phục các nhược điểm của mô hình nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% tại các khu đô thị.

Đặt vấn đề tại sao không thể có những quy định “mở” về điều kiện xây dựng khu nhà ở xã hội, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho rằng nên kiểm soát quy hoạch nhà ở xã hội và diện tích theo chỉ tiêu được phân bổ, theo địa bàn trên tổng thể chứ không nên quy định theo từng dự án cụ thể. Cùng với đó, phải triển khai đồng bộ, không chỉ có mỗi xây dựng nhà ở mà còn phải có quy hoạch về kết cấu, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm bảo đảm những điều kiện tối thiểu, không chênh lệch quá lớn so với các khu nhà ở thương mại khi những người có thu nhập thấp được chuyển đến. Nếu không làm tốt việc này sẽ tiếp tục phải đối mặt với bài toán nan giải tại thành phố Hà Nội hiện nay, chính là phải chỉnh trang, cải tạo những khu chung cư, nhà ở cũ đã xuống cấp, những khu tập thể 5 tầng từ trước thời kỳ bao cấp, những chung cư cao tầng nhưng đã xuống cấp nhanh chóng... Vì vậy, nếu không triển khai tốt thì sẽ rất dễ lặp lại "vết xe đổ" này. Do đó, đại biểu kiến nghị Bộ Xây dựng cũng như Chính phủ cần phải có những quy định mở hơn đối với xây dựng khu nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, nhận định về sự điều hành cũng như vai trò của chủ tọa trong phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu rõ sự thành công của các phiên chất vấn không thể thiếu được vai trò của chủ tọa điều hành. Chủ tọa của các phiên họp nói chung và chủ tọa phiên chất vấn nói riêng đều bám sát vào nguyên tắc hoạt động dân chủ. Các đại biểu có quyền nêu thẳng thắn những vấn đề quan tâm nhưng cũng phải trọng tâm, đúng với nhóm nội dung đã được Quốc hội thống nhất để đưa ra chất vấn. Vì vậy, trong quá trình điều hành, chủ tọa đã linh hoạt và bám rất sát diễn biến phiên chất vấn. Đại biểu cho rằng, đây là một cách thức rất tốt để các đại biểu cũng tự phải điều chỉnh về các câu hỏi, các nhóm vấn đề mà mình quan tâm để có thể bám sát theo nội dung đã được lựa chọn để chất vấn Bộ trưởng.

Đánh giá về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai cho biết đây là lần đầu tiên Bộ trưởng đăng đàn trả lời chất vấn tại Quốc hội. Các nhóm nội dung Bộ trưởng trả lời nhận được nhiều sự quan tâm, đặc biệt là những nội dung liên quan đến triển khai và quản lý quy hoạch, công tác xử lý những sai phạm, vi phạm quy hoạch và giải pháp để xử lý triệt để cũng như ngăn ngừa phát sinh tình trạng này. Bộ trưởng cũng trả lời về nhóm vấn đề liên quan tới thể chế, để làm sao hoàn thiện thể chế, dán lỗ hổng hoặc đã có rồi nhưng thực hiện chưa nghiêm thì cần tổ chức thực thi. Vấn đề này không phải chỉ có trách nhiệm của Bộ Xây dựng mà còn liên quan tới trách nhiệm địa phương.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nhấn mạnh: Qua phần trả lời có thể thấy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã nắm rất rõ những tồn tại, hạn chế trong ngành. Trên cơ sở những vấn đề đã trao đổi tại phiên chất vấn, cử tri và nhân dân sẽ tăng cường công tác giám sát trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong công tác quản lý nhà nước trên toàn lãnh thổ chứ không chỉ trên một địa bàn, địa phương. Với những trao đổi, những giải pháp được đưa ra tại phiên chất vấn cũng như các giải pháp đã nêu rõ trong báo cáo gửi các vị đại biểu Quốc hội. Đại biểu cho rằng, điều quan trọng nhất là phải có lộ trình, thời gian để thực hiện và có những giải pháp lâu dài. Đơn cử, việc hoàn thiện thể chế không thể “ngày một ngày hai”, nhưng có những giải pháp cần phải được thực thi ngay, nếu như để chậm chễ trong quá trình tổ chức thực hiện thì không chỉ là dự án “treo”, quy hoạch “treo” mà thậm chí là các văn bản quy phạm pháp luật cũng sẽ “treo”./.

Minh Thành

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=70237