Đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH Hà Giang thảo luận về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

BHG - Sáng 25.6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương Quốc Anh và Bắc Ai – Len với kết quả có 459 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 94,25%); sau đó, phiên họp thảo luận tập trung tại hội trường về dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Đại biểu Phạm Thúy Chinh, Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang tham gia thảo luận một số nội dung vào dự thảo Luật này.

Các đại biểu biểu quyết tại phiên họp. Ảnh: CTV

Các đại biểu biểu quyết tại phiên họp. Ảnh: CTV

Tham gia góp ý về Văn phòng công chứng quy định tại Điều 20, đại biểu Phạm Thúy Chinh cho biết dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) đã quy định chi tiết, đầy đủ, chặt chẽ về hoạt động của văn phòng công chứng. Đây là điểm mới, tiến bộ, phù hợp với Luật Doanh nghiệp và phù hợp với thực tiễn. Đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng, Khoản 2 Điều 20 quy định “trưởng văn phòng công chứng là người đại diện theo pháp luật của văn phòng công chứng” mà không phải là tất cả công chứng viên hợp danh. Quy định như vậy là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 184 Luật Doanh nghiệp về công ty hợp danh.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia thảo luận. Ảnh: CTV

Để đảm bảo tính đặc thù ngành nghề kinh doanh và kế thừa, văn phòng công chứng không sử dụng chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên mà sử dụng chức danh Trưởng văn phòng. Đại biểu đề nghị sửa khoản 1 và khoản 2 Điều 20 theo hướng: Văn phòng công chứng phải có từ 2 thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn. Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên hợp danh. Hội đồng thành viên có quyền quyết định toàn bộ công việc kinh doanh của văn phòng công chứng theo quy định của pháp luật và điều lệ. Hội đồng thành viên bầu một thành viên làm Trưởng văn phòng công chứng. Trưởng văn phòng công chứng phải là thành viên đã hành nghề công chứng đủ 2 năm trở lên và có nhiệm vụ quản lý, điều hành hoạt động của văn phòng công chứng với tư cách là thành viên hợp danh theo quy định tại khoản 1 Điều 184". Quy định như trên sẽ đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp về Công ty hợp danh.

Về quy định trách nhiệm Bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng (Điều 37), tại khoản 1, Điều 37 quy định: Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng. Đại biểu Phạm Thúy Chinh cho rằng về bản chất, các thành viên hợp danh phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các nghĩa vụ của công ty nên việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp danh là hợp lý. Công ty hợp danh (Văn phòng công chứng) chỉ đại diện để bồi thường.

Do đó đại biểu đề nghị sửa khoản 1, Điều 37: Tổ chức hành nghề công chứng đại diện cho tất cả các thành viên hợp danh bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên, nhân viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202406/dai-bieu-pham-thuy-chinh-doan-dbqh-ha-giang-thao-luan-ve-du-thao-luat-cong-chung-sua-doi-05c42e0/