Đại biểu Phạm Văn Hòa: Phải đặc biệt quan tâm nguy cơ 'đấu thầu hình thức'
Các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến xác đáng nhằm hoàn thiện Luật Đấu thầu và Luật PPP, bảo đảm tính minh bạch, đồng bộ và phù hợp thực tiễn triển khai.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 23/5 Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; việc bổ sung ngân sách chi thường xuyên (nguồn viện trợ không hoàn lại nước ngoài) năm 2025.

Toàn cảnh phiên họp chiều 23/5. Ảnh: VPQH
Làm rõ trách nhiệm công khai và thời gian thực hiện
Góp ý về Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định tinh thần sửa đổi các luật lần này đã thể hiện được chủ trương phân cấp mạnh mẽ, trao quyền tự quyết cho cơ quan quản lý và các chủ đầu tư. Theo ông, việc sửa đổi các điều khoản của Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư cho thấy định hướng nâng cao tính tự chịu trách nhiệm, xử lý kịp thời các nhu cầu mua sắm công, góp phần tăng hiệu quả đầu tư công và tính linh hoạt trong điều hành.
Tuy nhiên, ông Tuấn đề nghị cần quy định cụ thể và rõ ràng hơn về hình thức và mức độ công khai trong trường hợp chỉ định thầu hoặc chào hàng cạnh tranh. Hiện nay, mặc dù các thủ tục như hồ sơ dự thầu, mời thầu đã khá minh bạch, song vẫn tồn tại khoảng trống trong cách thức công khai thông tin đối với các hình thức không đấu thầu rộng rãi. Ông đặt câu hỏi: Với các doanh nghiệp nhà nước được tự quyết định mua sắm, liệu công khai sẽ diễn ra trong phạm vi nội bộ, trên báo chí hay các phương tiện truyền thông đại chúng? Việc chưa có hướng dẫn thống nhất sẽ dẫn tới cách hiểu và thực hiện khác nhau ở mỗi địa phương.

Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: VPQH
Ngoài ra, ông đề nghị sửa đổi lại ngưỡng chỉ định thầu và bổ sung cơ chế đặc thù áp dụng trong các trường hợp cấp bách, không chỉ giới hạn trong các tình huống khẩn cấp như thiên tai, quốc phòng, an ninh mà nên mở rộng cho các trường hợp cần xử lý nhanh hơn chu kỳ trung bình của một cuộc đấu thầu hiện nay là ba đến bốn tháng.
Rà soát ngôn ngữ luật và làm rõ chào giá trực tuyến trong lựa chọn nhà thầu
Cùng góp ý về Luật Đấu thầu, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Đoàn Quảng Ninh cho rằng quá trình sửa đổi luật là cơ hội để chuẩn hóa lại cách sử dụng thuật ngữ, tránh hiểu nhầm và rối rắm khi thực hiện. Bà nêu rõ, hiện tại có ba khái niệm chính là dự toán mua sắm, gói thầu mua sắm và mua sắm tập trung, nhưng trong một số điều như Điều 3, Điều 7 lại chỉ dùng chung cụm từ "mua sắm" hoặc "hoạt động mua sắm", gây khó xác định áp dụng cho tình huống cụ thể nào.
Về nội dung sửa đổi Khoản 3, Điều 20, bà đề xuất bổ sung “chào giá trực tuyến” vào danh mục các hình thức lựa chọn nhà thầu được quy định trong luật. Bà viện dẫn rõ rằng Nghị định 98 và Thông tư số 22 đã đề cập đến hình thức này, nhưng lại chưa được ghi nhận trong luật hiện hành, dẫn tới thiếu đồng bộ và gây lúng túng trong áp dụng.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VPQH
Với chỉ định thầu trong các tình huống đặc biệt như nghiên cứu, thử nghiệm, một nhà cung cấp duy nhất hoặc bảo vệ bí mật nhà nước, bà đề nghị quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm thẩm định, cũng như thẩm quyền quyết định để bảo đảm quá trình lựa chọn nhà thầu không bị lợi dụng và vẫn giữ được tính minh bạch, khả thi trong thực tế.
Phòng ngừa gian lận và xử lý triệt để tồn đọng BOT
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng Tháp thẳng thắn chỉ ra hàng loạt bất cập trong thực tiễn triển khai đấu thầu và quản lý dự án công. Ông đồng tình với quy định trao quyền cho chủ đầu tư lựa chọn hình thức nhà thầu căn cứ vào quy mô, điều kiện cụ thể từng dự án, tuy nhiên ông cảnh báo cần đặc biệt quan tâm đến nguy cơ “đấu thầu hình thức”.
Ông nêu rõ có nhiều công trình được tổ chức đấu thầu nhưng kết quả gần như đã an bài. Có trường hợp chủ đầu tư đã chuẩn bị xong hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công, sau đó mới tiến hành đấu thầu quyền sử dụng đất, trong khi nhà đầu tư gần như chắc chắn trúng thầu. Tình trạng đó khiến đấu thầu trở thành thủ tục hình thức, tốn thời gian mà không đảm bảo công bằng.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VPQH
Với chỉ định thầu, ông yêu cầu quy định chặt chẽ việc lựa chọn nhà thầu. Theo ông, cần yêu cầu nhà thầu có năng lực tài chính mạnh, kinh nghiệm thi công nhiều dự án thực tế, có uy tín và có thể tạo ra mức giảm giá đáng kể. Ông dẫn chứng có trường hợp một nhà thầu trúng hàng chục gói thầu trong nhiều năm nhưng không mang lại hiệu quả cho ngân sách nhà nước, vì mức giảm giá luôn dưới 1%.
Ông cũng chỉ rõ những bất cập trong các gói thầu xây lắp, nhất là trong lĩnh vực khai thác vật liệu xây dựng. Có tình trạng doanh nghiệp bỏ thầu với mức giá cao gấp đôi, thậm chí gấp trăm lần giá trị thực tế. Ông đề nghị có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các nhà thầu trúng thầu nhưng không thực hiện hoặc bỏ thầu sau khi trúng, gây ảnh hưởng tiến độ và bức xúc dư luận.
Đặc biệt, ông yêu cầu Quốc hội và Chính phủ cần xử lý dứt điểm 7 đến 8 dự án BOT đường bộ ký trước ngày 1/1/2021 hiện đã hoàn thành nhưng không thu được phí do phản đối của người dân. Ông đề nghị làm rõ nguyên nhân thuộc về bên nào, nếu là nhà thầu thì phải chịu trách nhiệm tài chính, nếu nhà nước hoặc cả hai cùng sai, phải có cơ chế chia sẻ rủi ro. Việc kéo dài tình trạng này không chỉ gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng mà còn khiến nhà nước thất thu và xã hội bất bình.
Đại biểu Phạm Văn Hòa: Có trường hợp một nhà thầu trúng hàng chục gói thầu trong nhiều năm nhưng không mang lại hiệu quả cho ngân sách nhà nước vì mức giảm giá luôn dưới 1%.