Bộ trưởng Bộ Tài chính: Một số dự án BOT gặp khó do lỗi từ phía Nhà nước

Chiều 23/5, trong phiên họp Quốc hội về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 7 luật liên quan đến lĩnh vực tài chính, bao gồm cả Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng khẳng định, một số dự án BOT đang đối mặt với khó khăn không xuất phát từ lỗi của nhà đầu tư mà do nguyên nhân khách quan từ phía Nhà nước.

Dự thảo luật lần này đề xuất một cơ chế xử lý riêng đối với các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông bị sụt giảm doanh thu trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực (ngày 1/1/2021). Theo đó, Nhà nước sẽ chia sẻ phần chênh lệch doanh thu giữa phương án tài chính ban đầu và doanh thu thực tế, theo một tỷ lệ xác định.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực trạng có nhiều dự án BOT đã gặp khó khăn trong 4 - 5 năm qua nhưng chưa được giải quyết triệt để. Ông đặt vấn đề cần làm rõ trách nhiệm thuộc về ai: nhà đầu tư, Nhà nước hay cả hai, đồng thời kêu gọi xử lý dứt điểm để tránh thiệt hại kép cho cả Nhà nước và nhà đầu tư.

Phản hồi trước chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, có những trường hợp khó khăn là do điều chỉnh chính sách, quy hoạch từ phía Nhà nước, chứ không phải lỗi quản trị của nhà đầu tư.

Ông dẫn chứng, trong giai đoạn 2011 - 2022, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực tháo gỡ khó khăn, trong đó có việc Thủ tướng chỉ đạo rà soát lại phương án tài chính các dự án BOT. Kết quả là phần kinh phí cần hỗ trợ đã được điều chỉnh giảm từ 10.000 tỷ đồng xuống còn 8.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, bên cạnh hai nghị quyết trước đây của Quốc hội, vào tháng 2 năm nay, cấp có thẩm quyền đã tiếp tục yêu cầu xử lý các dự án BOT còn vướng mắc. Đặc biệt, trong bối cảnh tuyến cao tốc Bắc - Nam dần được đưa vào vận hành, lưu lượng phương tiện thực tế sẽ được xác định rõ, từ đó làm căn cứ đánh giá mức độ ảnh hưởng đến doanh thu các dự án BOT liên quan.

Trong 5 năm tới, với mục tiêu xây dựng thêm 2.000 km đường cao tốc và hệ thống các trục ngang, nhiều dự án BOT tại các địa phương cũng sẽ chịu tác động và cần được xử lý. Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị cần luật hóa các quy định xử lý nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định và chủ động, thay vì xử lý từng dự án đơn lẻ như hiện nay.

Theo nội dung sửa đổi tại dự thảo Luật PPP, cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu chỉ được áp dụng một lần đối với các dự án BOT gặp khó khăn trước năm 2021. Điều kiện là dự án không thu được phí dịch vụ hoặc có mức doanh thu thực tế trong ba năm gần nhất dưới 75% so với phương án tài chính, và nguyên nhân do thay đổi chính sách, quy hoạch.

Tuy nhiên, cơ chế này không áp dụng đối với những dự án đã được điều chỉnh phương án tài chính để bảo đảm tỷ suất lợi nhuận, lãi vay hoặc phương án trả nợ không khả thi. Việc xác định tỷ lệ chia sẻ, quy trình và thủ tục thực hiện sẽ do Chính phủ hướng dẫn chi tiết. Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh là người có thẩm quyền quyết định việc áp dụng, đảm bảo không làm tăng giá dịch vụ hay kéo dài thời gian thu phí.

Ngoài việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án vận hành trước năm 2021, Chính phủ cũng đề xuất cho phép áp dụng trở lại hình thức hợp đồng BOT đối với các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường cao tốc hiện hữu. Trường hợp doanh thu thực tế thấp hơn so với phương án tài chính do thay đổi quy hoạch, chính sách, Nhà nước sẽ xem xét chia sẻ phần giảm doanh thu theo tỷ lệ do Chính phủ quy định.

Các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong trường hợp này cần có phương án điều chỉnh giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng PPP (tối đa 50 năm), nhưng nếu vẫn không đạt ngưỡng 75% doanh thu tối thiểu thì sẽ được cân nhắc áp dụng cơ chế hỗ trợ này.

Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự luật sửa đổi vào ngày 17/6 tới.

Nhật Hưng

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-mot-so-du-an-bot-gap-kho-do-loi-tu-phia-nha-nuoc-318235.html