Đại biểu Quốc hội: Áp mức giá đất thấp, sinh ra tham nhũng
Thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều Đại biểu Quốc hội thừa nhận, tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai còn rất lớn, kéo dài và khẳng định tham nhũng về đất đai xảy ra cũng chính vì giá đất thấp.
Tại buổi thảo luận ở các tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sáng nay (3/11), nhiều Đại biểu Quốc hội thừa nhận, tình trạng khiếu kiện liên quan đến đất đai còn rất lớn, kéo dài.
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế Quốc dân (đoàn Hà Nội) cho rằng, trước đây khung giá đất nhà nước áp đặt một mức theo chủ quan thì bây giờ xây dựng bảng giá theo trị thị trường.
"Nếu chúng ta thực hiện đúng nguyên tắc này thì xóa bỏ phần lớn tham nhũng về đất đai hoặc khiếu kiện. Vì trước đây khung giá đất thấp, khi các cơ quan có thẩm quyền giao đất chuyển đất từ khu vực công sang khu vực tư thì đương nhiên áp mức giá thấp, sinh ra tham nhũng. Còn bây giờ chúng ta có bảng giá sát giá trị thị trường rồi thì không có chuyện cố tình sai phạm", Đại biểu nêu quan điểm.
Ông góp ý thêm, cần có thêm một điều về thuế, gồm thuế điều tiết giá trị gia tăng, thuế điều tiết đầu cơ, ôm đất và thuế trong điều tiết hành vi như để đất mà không sử dụng.
Bên cạnh đó, ông Cường cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn còn tồn tại 2 phương thức thu hồi đất đã tồn tại từ trước đến nay. Tuy nhiên, điều này đặt ra một số vấn đề: Chúng ta để nhà đầu tư và người dân tự thỏa thuận nghe chừng rất dân chủ, đảm bảo lợi ích của người dân, nhưng khi đặt cạnh nhau sẽ thấy bất cập, đây là dự án nhà nước thu hồi vì an ninh quốc phòng, vì mục đích an ninh quốc gia thì giá đất bình thường; cạnh bên là dự án do nhà đầu tư tự thỏa thuận thì "trả cao vọt lên", từ đó tạo sự bất bình đẳng.
Cũng theo Đại biểu Hoàng Văn Cường, đất đai là sở hữu của toàn dân mà nhà nước là đại diện để thực hiện quyền quản lý. Khi chuyển đất đai từ người này sang người khác, tại sao Nhà nước không thực hiện quyền đó mà cho chủ đầu tư tự thỏa thuận? Cho tự thỏa thuận là tự bỏ đi quyền của Nhà nước.
"Nguy hiểm hơn sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa người dân đang sử dụng đất và chủ đầu tư được quyền chuyển nhượng. Ví dụ, tôi đang sử dụng đất nông nghiệp, quy hoạch vùng là đất ở nhưng tôi không được quyền chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, trong khi một doanh nghiệp đến mua đất của tôi, gom được mảnh đất lại được chuyển đổi thành đất ở thì đương nhiên xảy ra việc khiếu kiện", Đại biểu dẫn chứng.
Từ đó, đại biểu đề nghị, tất cả đất đai thuộc diện Nhà nước quyết định có dự án đầu tư (kể cả vì an ninh quốc phòng, vì lợi ích công cộng như khách sạn, trung tâm thương mại...) thì đều phải đưa vào nhà nước đứng ra thu hồi. Chỉ cho tự thỏa thuận trong trường hợp nhiều người dân góp chung vốn, hoặc tự chuyển dịch, điều chỉnh đất đai...
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính, Chánh án TAND TP Hà Nội (đoàn Hà Nội) cũng cho biết, 90% giải quyết khiếu nại hành chính liên quan đến đất đai; 50% tranh chấp dân sự liên quan đến đất đai. Nguyên nhân là luật này không còn phù hợp từ cơ chế về giá và cơ chế quản lý.
Về cơ chế giá, theo ông Chính, quy định hiện nay còn nhiều vấn đề bất cập, chồng chéo. Quy định bồi thường giá đất thấp không phù hợp với thực tiễn dẫn tới tranh chấp. "Giá bồi thường còn bất cập ở chênh lệch giữa giá kinh doanh dự án và đền bù quá thấp; chênh lệch giá thành phố và nông thôn; chênh lệch giữa thành phố và các tỉnh lân cận", ông Chính nêu.
Về cơ chế quản lý, ông Chính cho rằng, việc cấp và thu hồi sổ đỏ còn bất cập. "Có trường hợp diện tích cận kề nhau nhà cạnh nhau một nhà được cấp sổ đỏ, một nhà không được cấp mà không hiểu vì sao. Tình trạng này dẫn tới khiếu kiện kéo dài không có hồi kết", ông Chính dẫn chứng.
Bên cạnh đó, theo ông Chính, các quyết định của nhà nước về cấp và thu hồi đất còn hạn chế, nơi không có đất ở, canh tác nhưng có nơi lại bỏ hoang.