Đại biểu Quốc hội 'bất ngờ' về mức khoán chi xây dựng pháp luật

Chiều 15-5, thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy (Đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về mức khoán chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại tổ, chiều 15-5. Ảnh: Như Ý

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại tổ, chiều 15-5. Ảnh: Như Ý

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhận định: Nguyên tắc áp dụng cơ chế chính sách đặc biệt nhấn mạnh, ngoài việc tạo bước đổi mới, đột phá cũng nhấn mạnh yêu cầu về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, ngăn chặn mọi biểu hiện trục lợi, hướng lái chính sách trong công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

“Đây là yêu cầu chúng tôi thấy hết sức quan trọng nhưng trong dự thảo nghị quyết chưa thấy thể hiện yếu tố về kiểm soát quyền lực, yếu tố về phòng, chống lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm”, đại biểu nói.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy bày tỏ đặc biệt quan tâm đến phụ lục về tổng mức chi trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế áp dụng cơ chế khoán chi.

“Một dự án luật xây dựng mới là 18 tỷ đồng; luật sửa đổi, bổ sung một số điều có nội dung liên quan đến quyền con người, quyền công dân là 9 tỷ đồng, con số thực sự rất lớn. Cá nhân tôi cũng làm công tác xây dựng pháp luật gần 30 năm, cả quá trình chi cho tất cả các hoạt động xây dựng pháp luật chưa bao giờ lên đến tiền tỷ chứ chưa nói đến chục tỷ đồng như thế này”, đại biểu nói và bày tỏ băn khoăn về cơ sở căn cứ để xác định tổng mức chi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác này cũng đã được hưởng lương ngân sách nhà nước và hưởng chế độ hỗ trợ, ưu đãi.

Chỉ ra các công việc cụ thể trong xây dựng pháp luật, đại biểu cho rằng có những công việc có thể khoán để hỗ trợ, khuyến khích cán bộ làm tốt hơn. Thế nhưng có những việc như tổ chức hội nghị, hội thảo, thuê chuyên gia, đại biểu đặt vấn đề nếu đưa ra một mức khoán thì có chắc là các cơ quan sẽ thuê khoán chuyên gia hay lại “tự chia nhau”. Phải có những cơ chế để giám sát, kiểm soát, bảo đảm việc chi phù hợp, hợp lý; tạo ra hiệu quả thiết thực cho chất lượng của các văn bản được xây dựng.

Đại biểu cho rằng, việc nâng cao chất lượng xây dựng văn bản pháp luật, ngoài yếu tố về tài chính, yếu tố về kinh tế thì còn nhiều yếu tố khác. “Bây giờ ví dụ chúng ta đưa ra định mức chi cao như thế này, nhưng luật làm trong vòng một tháng hay nghị quyết làm trong vòng một tuần thì có cần thiết phải chi nhiều như thế không? Thực tế có tốn nhiều như thế không? Chất lượng có thay đổi gì không? Đấy là điều chúng tôi rất quan tâm”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh.

“Anh em làm luật thì cũng vất vả thật, so với các ngành nghề kinh tế khác thì cũng không bằng về các chế độ, chính sách, nhưng mà cũng không phải vì tiền mà chúng tôi làm. Thứ nhất là thể hiện tinh thần trách nhiệm với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân; thứ hai là thể hiện sự nhiệt huyết, đam mê muốn cống hiến, muốn đóng góp và muốn tạo ra những cái điều tốt đẹp hơn”, đại biểu nói.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nhận định, hỗ trợ về tài chính để yên tâm công tác là điều cần thiết, nhưng cũng không phải chỉ có những người làm công tác xây dựng pháp luật hay thi hành pháp luật mà cán bộ, công chức nói chung đều cần phải được quan tâm.

“Chúng ta tạo ra một chế độ quá đặc biệt đối với nhóm đối tượng này, trong khi lại bỏ quên các nhóm đối tượng khác thì có thể tạo ra sự tâm tư ngay trong nội bộ đội ngũ cán bộ, công chức ở các cơ quan, đơn vị trong cùng một cơ quan, đơn vị, cũng như đơn vị này với đơn vị khác. Đây là vấn đề mà chúng tôi cũng rất băn khoăn. Có chế độ thì tốt nhưng chế độ phải làm sao phù hợp và hợp lý, phải chứng tỏ được hiệu quả khi áp dụng”, đại biểu Nguyễn Phương Thủy nói.

Tiến Thành lược ghi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/dai-bieu-quoc-hoi-bat-ngo-ve-muc-khoan-chi-xay-dung-phap-luat-702374.html