Đại biểu Quốc hội: Cán bộ, công chức hiện nay chỉ cần 2 từ 'an tâm'
ĐBQH Nguyễn Hữu Thông: 'Chúng ta biết khi tâm an thì làm việc gì cũng dễ, sự cống hiến cũng nhiều hơn, con người hạnh phúc hơn và tựu chung cán bộ, công chức hiện nay chỉ cần 2 từ 'an tâm'.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bình Thuận, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh điều này khi thảo luận về KT-XH trên hội trường, chiều nay (31/5).
Cho rằng điểm nghẽn lớn là yếu tố con người và Chính phủ xác định là 1 trong 8 hạn chế khó khăn thời gian qua, đại biểu Nguyễn Hữu Thông cho biết, Chính phủ cũng có chỉ đạo quyết liệt trong việc rà soát, ban hành cơ chế chính sách, tránh chồng chéo, coi đây là việc làm trọng tâm.
Ngay tại Kỳ họp thứ 5 này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, cho ý kiến vào 9 dự án luật khác và là kỳ họp có số dự án luật được trình nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành.
Tuy vậy, ông băn khoăn việc thể chể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục chỉ đạo, theo kế hoạch Bộ Nội vụ trình Chính phủ trong tháng 4 nhưng đến nay chưa được ban hành.
Ông mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn để chủ trương đúng đắn trên được cụ thể hóa bằng pháp luật và đi vào cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông bày tỏ xúc động khi Báo cáo thẩm tra mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa trình Quốc hội tại kỳ họp này có kiến nghị “sớm hoàn thiện hệ quy định của pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ”.
Bởi lẽ, theo Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, có lẽ là lần đầu tiên, thậm chí duy nhất từ trước đến nay cụm từ “an toàn cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ” được đề cập trong kiến nghị.
“Một báo cáo lớn, báo cáo quan trọng quốc gia đề cập cho thấy sự chia sẻ, đồng cảm của cơ quan thẩm tra với vấn đề thực thi công vụ hiện nay. Chúng ta biết khi “tâm an” thì làm việc gì cũng dễ, sự cống hiến cũng nhiều hơn, con người hạnh phúc hơn và tựu chung cán bộ công chức hiện nay chỉ cần 2 từ “an tâm” – ông Nguyễn Hữu Thông nói.
Cần thay đổi văn hóa “Doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy”.
Đại biểu Trịnh Xuân An – Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh bày tỏ tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế - xã hội. Các báo cáo đều rất chi tiết, cụ thể, nhiều số liệu, qua đó cho thấy một bức tranh toàn cảnh về kinh tế - xã hội nước ta thời gian qua có đủ các gam màu sáng - tối, có nhiều kết quả đạt được đáng ghi nhận nhưng cũng còn không ít băn khoăn, lo lắng.
Đại biểu phân tích, cùng với tín dụng, cần tiếp tục khơi thông các kênh dẫn vốn khác như trái phiếu và chứng khoán, đồng thời cần tiếp tục rà soát thể chế, đơn giản thủ tục hành chính một cách thực chất hơn và đặc biệt cần thay đổi văn hóa “DN phải đi xin, đi chạy”.
“Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ “phụng sự DN”, chủ động, thực tâm, thực lòng đến với DN để gỡ khó. Những việc gì cần làm để hệ thống DN phát triển thì nên làm ngay, quyết định ngay, bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ ngành, đến khi giải quyết được thì DN “đã gần đất xa trời” – ông Trịnh Xuân An nói và đề nghị với những dự án pháp lý đầy đủ, làm đúng quy trình thì các địa phương cần ký đồng ý để triển khai ngay, tránh việc cứ rà soát mãi mà cả năm không ra đời được dự án nào.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, cần bớt các nội dung kiểm tra, thanh tra làm khó DN để tránh tình trạng DN phải lao đao giải trình lên xuống. Bên cạnh đó cần có các giải pháp thực chất, cụ thể để ngăn chặn “virus sợ trách nhiệm và bệnh không dám làm”./.