Đại biểu Quốc hội: Cần có Nghị quyết giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch 'treo'
i biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đề nghị Quốc hội có một Nghị quyết để giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch 'treo' kéo dài nhiều năm ở các địa phương và có những đột phá về các chủ trương, chính sách để giải quyết tình trạng quy hoạch 'treo'.
Ngày 30/5, phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, một số đại biểu đã bày tỏ bức xúc thay cử tri về vấn đề liên quan đến "quy hoạch treo" và nêu ra một số kiến nghị để giải quyết tình trạng này.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh.
Cần xóa đi khái niệm "quy hoạch treo" trong pháp luật quy hoạch
Phát biểu ý kiến, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) đề nghị, sau cuộc giám sát này về công tác quy hoạch, Quốc hội có nghị quyết để giải quyết dứt điểm vấn đề quy hoạch treo và xóa đi khái niệm này trong pháp luật quy hoạch. "Trong pháp luật thì không có nhưng có trong các báo cáo về quy hoạch của chúng ta", ông Nghĩa nêu.
Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, ở nhiều địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh, cụ thể là ở huyện Bình Chánh, bà con cử tri hết sức khẩn thiết đề nghị giải quyết những quy hoạch treo đến 20-30 năm, 40 năm, đem lại những sự bất công rất lớn đối với những người dân nằm trong vùng quy hoạch đó.
Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh đề nghị sau giám sát này khi làm quy hoạch chỉ có mấy tiêu chí: Thứ nhất là hợp lý; thứ hai là khả thi; thứ ba là hài hòa các lợi ích. "Nếu như anh hợp lý, thậm chí anh khả thi nhưng không hài hòa các lợi ích thì chúng ta phải gạt bỏ. Câu chuyện này mấy thập kỷ rồi, chúng tôi đề nghị làm sao lần này chúng ta phải có một sự đột phá trong các chủ trương, chính sách của chúng ta về vấn đề quy hoạch", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành chọn một số điểm quy hoạch treo kéo dài. "Như người dân nói, từ lúc 2 vợ chồng lấy nhau, sinh con, bây giờ thế hệ thứ ba rồi mà nhà cửa không được xây, không được chuyển nhượng, không được mua bán. Sự bất công này kéo dài như thế thì không thể nào tiếp tục được. Tôi đề nghị có một chính sách đột phá giải quyết cấp tốc trong nhiệm kỳ này, trong 1-2 năm tới những điểm quy hoạch treo nổi bật lên như vậy", ông Nghĩa đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận phát biểu.
Nêu vấn đề mà xã hội và người dân hết sức quan tâm, đó là vấn đề quy hoạch treo, dự án treo, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông (đoàn ĐBQH đoàn Bình Thuận) nêu rõ: Quy hoạch treo là tình trạng diện tích đất đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền quy hoạch trong kế hoạch sử dụng đất cho một hay nhiều mục đích khác nhau, đã công bố và sẽ thu hồi đất nhưng không thực hiện đúng tiến độ kế hoạch. Luật Đất đai hiện tại không nêu rõ dự án treo, quy hoạch treo trong thời gian bao lâu sẽ bị hủy, đây là một nội dung gây bức xúc trong Nhân dân và nhất là người dân nằm trong vùng dự án treo, quy hoạch treo.
"Vấn đề này vừa gây lãng phí nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực đất đai và các nguồn lực khác, vừa giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền. Do vậy, tôi xin kiến nghị Chính phủ cần ban hành các quy định cụ thể về thời gian 3 năm hoặc 5 năm nếu không thực hiện thì các quy hoạch treo, dự án treo sẽ hết hiệu lực và có chế tài xử lý đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng quy hoạch đã đề ra", ông Thông nhấn mạnh.
Quy hoạch cần đổi mới phương pháp mang tính chiến lược hơn
Theo đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh), Báo cáo của Chính phủ cho biết đến nay đã có 14 quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, 225 quy hoạch xây dựng vùng huyện, 4.270 quy hoạch xây dựng khu chức năng. Công tác quy hoạch xây dựng đã được các ngành, các cấp quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch vẫn còn một số bất cập.
Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu.
Cụ thể, thứ nhất, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch chuyên ngành trước đây có nhiều mâu thuẫn, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, thu hút đầu tư và triển khai dự án theo quy hoạch xây dựng được duyệt. Thường xảy ra tình trạng điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch. Bên cạnh đó, việc xây dựng tầm nhìn, quy hoạch chưa tốt, dự báo chưa đúng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến phải điều chỉnh cục bộ khi thực hiện. Sản phẩm quy hoạch thường bị lạc hậu.
"Trước những sự thay đổi liên tục và nhanh chóng của thực tiễn, quá trình triển khai quản lý quy hoạch phải điều chỉnh nhiều lần và thiếu đồng bộ. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án do phát sinh những yếu tố, thay đổi nhỏ so với quy hoạch được duyệt nhằm phù hợp với tình hình thực tế nên phải tiến hành điều chỉnh cục bộ, với quy trình đầy đủ, phức tạp làm ảnh hưởng đến tiến độ. Vốn đầu tư hạn hẹp nên không thể triển khai thực hiện theo quy hoạch đã được duyệt, dẫn đến quy hoạch treo, cần phải điều chỉnh quy hoạch", đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ.
Theo đại biểu đoàn Trà Vinh, Luật Quy hoạch năm 2017 ban hành đưa đến việc đồ án quy hoạch đô thị trở thành công cụ quản lý quy hoạch duy nhất ở cấp đô thị. Cần nghiên cứu đổi mới phương pháp, nội dung quy hoạch, trình, lập quy hoạch mang tính tích hợp đa ngành, đáp ứng theo cầu mới. Quy hoạch cần đổi mới phương pháp mang tính chiến lược hơn, hướng tới việc thực hiện đảm bảo sự tham gia. Cần phân biệt đồ án quy hoạch để quản lý và đồ án quy hoạch để đầu tư, sẽ hạn chế những quy hoạch treo do vấn đề vốn đầu tư.
Còn đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Lan (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) thì đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm bố trí không gian quy hoạch phát triển hạ tầng an sinh xã hội, khu dân cư đô thị, nông thôn, hạ tầng bảo vệ môi trường, thiết chế văn hóa, cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với an sinh xã hội và quốc phòng, an ninh giữa dân số với phát triển, kết hợp quy hoạch với chính sách phát triển địa bàn khó khăn, đồng thời đảm bảo quy hoạch phù hợp với khả năng tổ chức thực hiện, có tính khả thi cao để tránh quy hoạch các dự án đầu tư nhiều năm nhưng không thực hiện dẫn đến dự án treo, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân bị thu hồi đất và lãng phí đất đai.