Đại biểu Quốc hội: Cần đổi mới toàn diện thể chế thay vì ngắn hạn
Đại biểu Quốc hội cho rằng, thể chế tốt sẽ khai thông các luật, giúp 'tiền đẻ ra tiền'. Do đó, điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Sáng 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
"Chiếc áo cơ chế đã quá chật hẹp"
Phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau bày tỏ tâm đắc và tán thành với nhiều giải pháp trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.
Đại biểu Vân góp ý thêm 5 nhóm nhân tố tác động mạnh mẽ đến việc tăng trưởng bền vững, bao gồm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải cách thể chế; tiếp cận, làm chủ khoa học, công nghệ tiên tiến; sử dụng có hiệu quả đồng vốn và chấn hưng văn hóa và đạo đức dân tộc.
Trong đó, đại biểu dành nhiều tâm huyết cho đề xuất "cởi trói" về mặt thể chế, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cần có các biện pháp mạnh mẽ trong cải cách thể chế, cần coi thể chế như một nguồn lực, sớm thành lập ban chỉ đạo trung ương về cải cách thể chế, coi đây là một điểm đột phá quan trọng.
Ông đặc biệt quan tâm 3 nhóm thể chế về kinh tế: Xác lập bình đẳng trong phân phối nguồn lực xã hội không kể công và tư; bảo vệ chế độ hợp đồng, bảo vệ tài sản; giải quyết tốt quan hệ Nhà nước - thị trường.
'Việc các ngành, địa phương xin cơ chế đặc thù cho thấy chiếc áo cơ chế của chúng ta đã quá chật hẹp. Cho nên, cần rà soát đồng bộ để may cái áo mới cho thích hợp thay vì vá víu một cách ngắn hạn", đại biểu Lê Thanh Vân nhìn nhận.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Tao Văn Giót - Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, cần sớm nghiên cứu sửa đổi văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo.
Đại biểu minh chứng, qua rà soát 523 văn bản cho thấy, phần lớn văn bản đảm bảo đồng bộ khả thi. Tuy nhiên, cũng có những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo. Từ kết quả rà soát cho thấy, việc sớm nghiên cứu sửa đổi văn bản có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập là cần thiết.
Đại biểu Tao Văn Giót đề nghị đối với các dự án luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp thứ 7 như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá tài sản, đề nghị Chính phủ cần tập trung chỉ đạo ngay việc dự thảo các nghị định từ bây giờ, để khi luật thông qua sớm đi vào cuộc sống. Bởi trên thực tế có rất nhiều văn bản hướng dẫn, nhất là đối với Luật Đất đai (sửa đổi).
Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực, giúp tiền đẻ ra tiền
Tham gia phát biểu, đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, để phục hồi, phát triển kinh tế, tiền bạc là quan trọng nhưng có thứ còn quan trọng hơn tiền bạc đó là thể chế.
"Thể chế tốt thì khai thông nguồn lực và giúp tiền đẻ ra tiền, còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được", đại biểu Lộc nói và khẳng định, điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện nay là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính.
Thực tế, theo phản ánh của người dân và doanh nghiệp, thủ tục hành chính đang ngày càng nặng nề hơn trong thời gian vừa qua. Do đó, phải khắc phục cho được vấn đề pháp lý chồng chéo, bất cập. Đồng thời, phải xóa bỏ tâm lý sợ oan sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của các cán bộ công chức và doanh nghiệp.
Từ đó, đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị cần nghiên cứu "đặt" giới hạn tần suất, phạm vi thanh tra, kiểm tra để các bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp yên tâm tập trung nỗ lực để giải ngân các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế.
"Chúng ta cần bổ sung ngay các chế tài kinh tế phù hợp để xử lý các vi phạm và không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Đồng thời, triển khai tích cực, tận tâm các biện pháp bảo vệ cán bộ và cả các doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, trong đó có yêu cầu phải luật hóa các quy định về vấn đề này", đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.
Vẫn theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, trong thời điểm khủng hoảng, giải pháp "kinh điển" trực diện có thể phát huy được hiệu quả trực tiếp nhanh nhất là bơm tiền vào nền kinh tế. Các quyết định bơm tiền đã được Quốc hội ban hành, nhưng việc triển khai thực hiện lại gặp rất nhiều trở ngại.
"Vì thế, cần giải quyết tình trạng có tiền không tiêu được. Chừng nào tình trạng này còn thì khó hy vọng phát triển bứt phá thời gian tới", ông Lộc nhìn nhận
Mặt khác, đại biểu nhìn nhận, mặc dù đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thách thức, nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội chưa từng có. Đó là, sự chuyển dịch địa chính trị, kinh tế và cạnh tranh chiến lược trên thế giới mở ra cơ hội để trở thành một trung tâm, điểm đến của các dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư với chất lượng cao trên thế giới.
Không chỉ ngành công nghiệp bán dẫn, mà các ngành công nghiệp khác, các ngành thương mại, dịch vụ kể cả an sinh xã hội cũng sẽ được hưởng lợi của quá trình này.
Nhưng tận dụng tốt được cơ hội này hay không thì còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị về thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần có các chiến lược chính sách đột phá để phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới để không lặp lại tình trạng sau mấy chục năm mở cửa hội nhập, nhưng ngành công nghiệp chủ lực như ô tô, điện tử, dệt may, da giày, thậm chí cả nền nông nghiệp về căn bản vẫn dừng lại ở trình độ gia công lắp ráp, đại biểu Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế,chính sách được chú trọng
Trước đó, trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6 ngày 23/10, Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách được chú trọng, có nhiều đổi mới trong chỉ đạo, cách làm.
Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, từ sớm, từ xa với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong 9 tháng đã tổ chức 8 phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật; Quốc hội thông qua 8 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến 9 dự án luật và dự kiến sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật, 1 nghị quyết, cho ý kiến 7 dự án luật tại Kỳ họp này.
Chính phủ đã ban hành 68 nghị định, 193 nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 26 quyết định quy phạm pháp luật và nhiều quyết định cá biệt. Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước được triển khai quyết liệt, có hiệu quả; trong đó tập trung cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp giải quyết thủ tục hành chính.