Đại biểu Quốc hội: Cân nhắc việc thành lập tòa án chuyên biệt

Sáng 19/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ chín, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Nhiều đại biểu Quốc hội đã có ý kiến tâm huyết, tập trung làm rõ các nội dung liên quan đến phân cấp thẩm quyền xét xử, cơ chế giám sát giữa các cấp tòa án và việc thành lập các tòa án chuyên biệt.

Cần làm rõ cơ chế giám sát giữa các cấp tòa án

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) nêu quan ngại về cơ chế kiểm tra, giám sát giữa Tòa án nhân dân Tối cao, tòa án cấp tỉnh và tòa án khu vực. Theo dự thảo luật, khi thực hiện mô hình chính quyền hai cấp, tòa án khu vực sẽ đảm nhận vai trò xét xử sơ thẩm, trong khi tòa án cấp tỉnh đảm nhiệm phúc thẩm và giám đốc thẩm. Tuy nhiên, dự thảo chưa quy định rõ ràng cơ chế kiểm tra, giám sát giữa các cấp tòa án này.

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Bình nhấn mạnh, nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, việc quản lý sẽ dễ rơi vào tình trạng chồng chéo hoặc bị buông lỏng, từ đó tạo kẽ hở cho tiêu cực phát sinh ngay từ cấp xét xử đầu tiên. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện quy định nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động xét xử.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, dự thảo luật đã mạnh dạn phân cấp cho tòa án khu vực trong việc xử lý các vụ việc dân sự, hành chính, kinh tế và hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, đối với án hình sự, thẩm quyền vẫn chủ yếu do tòa án cấp tỉnh đảm trách nếu mức án từ hai năm tù trở lên. Đại biểu đề nghị cần xem xét kỹ và làm rõ hơn tiêu chí phân cấp thẩm quyền để bảo đảm thống nhất với các luật liên quan như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đồng thời tránh tình trạng bỏ ngỏ trách nhiệm hoặc xử lý không thống nhất.

Cân nhắc thành lập tòa án chuyên biệt tại Trung tâm tài chính quốc tế

Đề cập đến việc thành lập các tòa án chuyên trách như tòa phá sản và tòa sở hữu trí tuệ tại cấp khu vực, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng đây là đề xuất chưa phù hợp với thực tiễn. Theo bà, số lượng vụ việc thuộc hai lĩnh vực này hiện nay còn rất thấp, thậm chí nhiều địa phương không phát sinh vụ việc nào trong cả năm. Việc thành lập các tòa chuyên biệt sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, tăng biên chế và làm giảm hiệu quả hoạt động.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, với số lượng vụ việc hạn chế, phương án hợp lý hơn là tiếp tục để tòa án nhân dân cấp tỉnh đảm nhiệm việc xét xử sơ thẩm, và nếu có kháng cáo, kháng nghị thì chuyển lên tòa phúc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao.

Góp ý thêm tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đề xuất bổ sung quy định về việc thành lập tòa án chuyên biệt trực thuộc Trung tâm tài chính quốc tế, nhất là khi Trung ương đã có chủ trương thành lập trung tâm này tại TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Bà cho rằng, để đảm bảo phù hợp với đặc thù của hoạt động tài chính quốc tế, dự thảo cần mở rộng các quy định về thẩm quyền và tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán tại tòa án này theo hướng linh hoạt, không nên quy định quá cụ thể trong luật mà nên để Tòa án nhân dân Tối cao có đề án hướng dẫn chi tiết.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình.

Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí phát biểu giải trình.

Kết thúc phiên thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Lê Minh Trí đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình 71 ý kiến tại thảo luận tổ và 14 ý kiến phát biểu tại hội trường. Ông Lê Minh Trí làm rõ thêm các vấn đề mà đại biểu quan tâm, bao gồm cơ chế phân cấp, giám sát giữa các cấp tòa án; việc thành lập tòa án chuyên biệt như tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ; cũng như đề xuất liên quan đến Trung tâm tài chính quốc tế.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân tiếp tục được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua trong thời gian tới, với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tư pháp và phù hợp với bối cảnh đổi mới hệ thống tòa án trong thời kỳ mới.

Huy Tùng

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-nhac-viec-thanh-lap-toa-an-chuyen-biet-727658.html