Đại biểu Quốc hội: Cần phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội
Chiều 28/10, Quốc hội tiếp tục tiền hành phiên thảo luận hội trường về phát triển kinh tế xã hội năm 2022, kế hoạch năm 2023.
Phát triển văn hóa chưa tương xứng
Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho biết, mặc dù nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát huy, các sản phẩm văn hóa ngày đa dạng, phong phú nhưng phát triển văn hóa chưa tương xứng, chưa ngang tầm với phát triển kinh tế.
"Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do các nguồn lực đầu tư cho phát triển cả cơ sở hạ tầng lẫn kiến trúc thượng tầng chưa đáp ứng. Đầu tư không đạt tối thiểu 2% tổng chi ngân sách nhà nước theo Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030" - đại biểu nêu thực trạng.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, sự vào cuộc của mọi người, mọi nhà, toàn xã hội chưa đồng bộ, chưa kịp thời, chưa thấu đáo. Vai trò chủ thể sáng tạo của nhân dân cũng như vai trò nòng cốt của đội ngũ văn nghệ sĩ, người làm công tác văn hóa ở đâu đó, có lúc, có nơi còn chưa phát huy tích cực.
Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa chậm được đổi mới, chưa thích ứng với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời đại mới. Môi trường sống, sự tác động của số hóa toàn cầu tạo ra những bất định, dễ bị cuốn đẩy chệch quỹ đạo văn hóa chuẩn mực...
Đại biểu cho rằng, ở góc độ văn hóa ứng xử, những hình ảnh hay câu chuyện thiếu văn hóa vẫn hiện hữu ở nơi này, nơi nọ trong các môi trường sống. Hành vi phi văn hóa ngày càng trẻ hóa xảy ra ở bậc trung học cơ sở và thậm chí là bậc cuối tiểu học.
Để góp phần giữ vững hồn cốt của dân tộc và khắc phục những khuyết thiếu trong văn hóa ứng xử, đại biểu Nguyễn Thị Sửu cho rằng cần phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội; nghiên cứu cho phép, triển khai hợp tác công tư trong trùng tu, khai thác di sản để tận dụng nguồn lực xã hội hóa, tăng đầu tư cho văn hóa và chú trọng phát triển công nghiệp văn hóa.
Trao quyền nửa vời, khó phát huy được tính năng động, sáng tạo
Nêu ý kiến tại hội trường, đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) kiến nghị cần ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách thể chế. Lí do vì chúng ta đã đưa ra 3 đột phá chiến lược, nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng, nhiều nhiệm kỳ Quốc hội nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết căn bản, trong khi đó thể chế là nền tảng của kiến tạo và phát triển trong quản trị quốc gia.
Nếu thành lập Ban chỉ đạo này, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị tập trung vào ba nhóm thể chế. Thứ nhất là tập trung vào phân công, kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền, phân cấp, phân quyền, cải cách thủ tục hành chính, hướng tới một Nhà nước kiến tạo, phục vụ nhân dân;
Thứ hai là cần có tổng giám sát bằng tiến sĩ, thạc sĩ mà trọng tâm là cán bộ trung cấp, cao cấp của toàn bộ máy nhà nước để sàng lọc chất lượng nhân sự, bảo đảm cho quản lý, điều hành của cả hệ thống.
Thứ ba là Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có nghị quyết riêng về tự chủ toàn diện đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành giáo dục và y tế ở trên 4 phương diện: độc lập, tự chủ về mô hình và phương thức hoạt động; độc lập về nhân sự, tự chủ về nhân sự; tự chủ về ngân sách và tài chính; tự chủ về đầu tư, thẩm quyền đầu tư.
"Có như vậy thì mới có đột phá về chất lượng nhân sự và chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp. Còn chúng ta trao quyền nửa vời, khó có thể phát huy được tính năng động, sáng tạo và đặc biệt vấn đề cấp bách hiện nay là phải có các cái giải pháp thích ứng" - đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.
Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) góp ý về đầu tư cho con người ở khu vực công để đủ sức đồng hành, hỗ trợ phát triển khu vực tư. Theo đó, để hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia tự cường, phát triển và thịnh vượng vào năm 2045, cần xây dựng một đội ngũ công chức, viên chức đủ tâm, đủ tầm, đủ phẩm chất, năng lực và đủ tính chuyên nghiệp nhằm định hướng dẫn dắt, hỗ trợ cho khu vực tư phát triển vượt lên, góp phần tăng năng suất lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước theo đúng định hướng.
Bên cạnh giải pháp trước mắt là tăng lương cơ sở bắt đầu từ ngày 1/1/2023 thay vì ngày 1/7/2023 để cán bộ yên tâm công tác, đại biểu này đề xuất Quốc hội, Chính phủ ban hành hoặc trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, liêm chính đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, không khí thảo luận xây dựng, thẳng thắn, trách nhiệm và khách quan, các ý kiến phong phú, toàn diện, hiểu biết sâu sắc thể hiện tâm huyết của các đại biểu Quốc hội đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, 9 tháng đầu năm 2022, vượt qua khó khăn thách thức, kinh tế - xã hội Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ, dự kiến cả năm có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. GDP cả năm dự kiến tăng khoảng 8% và có thể đạt kỳ vọng tăng trưởng khi có gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dự kiến thu ngân sách vượt dự toán, đáp ứng nhu cầu chi; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống Nhân dân được cải thiện; triển khai thực hiện kịp thời các chính sách xã hội.
"Đây là tiền đề và điều kiện để xây dựng và thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.