Đại biểu Quốc Hội: Cần xác định ông chủ thực và ngăn sở hữu chéo, thao túng ngân hàng

Tại phiên thảo luận Luật tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần xác định 'ông chủ' sở hữu thực của nhà băng mới ngăn chặn, xử lý được sở hữu chéo, thao túng.

Chiều 23/11, Quốc hội thảo luận Luật tổ chức tín dụng (sửa đổi). Cách nào giảm sở hữu chéo, thao túng và chi phối hệ thống ngân hàng nhận được nhiều góp ý từ các đại biểu.

Theo dự thảo Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), tỷ lệ sở hữu cổ phần với cổ đông cá nhân được đề nghị giữ như hiện hành, tức 5%. Giới hạn cho cổ đông là tổ chức (gồm cả số cổ phần cổ đông đó sở hữu gián tiếp) giảm từ 15% xuống 10%; cổ đông và người có liên quan giảm từ 20% xuống 15%.

Nhắc thực tế vụ việc của Ngân hàng Sài Gòn - SCB, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh (Đoàn ĐB Đồng Nai), nhìn nhận sở hữu chéo, chi phối, thao túng là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Ông nhận xét, các quy định đưa ra tại dự thảo về giảm tỷ lệ sở hữu, siết hạn mức cấp tín dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ lại là các biện pháp hữu hình.

"Dùng các công cụ hữu hình để xử lý cái vô hình sẽ không hiệu quả. Vấn đề của hệ thống ngân hàng hiện nay là quản trị, nên cần xác định cá nhân, tổ chức nào thực sự là chủ sở hữu của nhà băng mới chống được sở hữu chéo, thao túng", ông Trịnh Xuân An nói.

 Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh (Đoàn ĐB Đồng Nai). Ảnh Quochoi.vn.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng an ninh (Đoàn ĐB Đồng Nai). Ảnh Quochoi.vn.

Thực tế, tỷ lệ cá nhân, tổ chức nắm giữ cổ phần tại ngân hàng hoặc vay vốn có thể dễ dàng được thống kê, theo dõi. Tuy nhiên, các ông chủ thực sự nắm quyền chi phối lại không lộ diện trên hồ sơ nếu họ nhờ hoặc thuê người đứng tên hộ cổ phần hoặc lập doanh nghiệp "ma" để vay vốn.

Đơn cử, theo kết luận mới nhất của cơ quan điều tra (Bộ Công an) tại Ngân hàng Sài Gòn (SCB), hồ sơ sổ sách chỉ thể hiện bà Trương Mỹ Lan nắm giữ 4,98% vốn điều lệ. Nhưng trên thực tế, bà Lan sở hữu hơn 91% cổ phần nhà băng này thông qua nhờ 27 pháp nhân, cá nhân đứng tên hộ, tính đến tháng 10/2022. Từ 2012 đến 2022, trên 90% dư nợ cho vay của SCB chảy vào nhóm của bà Lan thông qua hàng ngàn công ty "ma" được dựng lên.

Để xử lý dứt điểm sở hữu chéo, chi phối trong ngân hàng, ông Trịnh Xuân An đề nghị dự luật cần bổ sung quy định về minh bạch thông tin của các cá nhân, tổ chức là cổ động của ngân hàng thương mại, thay vì giảm tỷ lệ sở hữu, và xác định nghĩa vụ công bố thông tin với cổ đông và nhóm người có liên quan sở hữu cổ phần của ngân hàng trên một mức cụ thể. Cùng đó, phải kiểm soát được dòng tiền, nguồn tiền góp vốn thông qua cơ chế thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng kiểm soát dữ liệu cá nhân.

"Dòng tiền không phải tự nhiên có, phải từ đâu, cá nhân nào, vụ việc của Vạn Thịnh Phát cho chúng ta kinh nghiệm", ông nói và kiến nghị giữ nguyên các quy định hiện hành về tỷ lệ sở hữu và hạn mức cấp tín dụng. Tức là, tỷ lệ sở hữu tối đa cổ đông cá nhân tại ngân hàng là 5%; cổ đông và người liên quan 20% và tổ chức 15%.

Bởi theo ông, việc giảm các tỷ lệ này có thể dẫn tới xáo trộn không cần thiết với nền kinh tế, hệ thống ngân hàng, khi dự án tốt cần vốn lại không thể vay do hạn mức cấp tín dụng bị giảm.

Liên quan đến câu chuyện "nhờ người khác đứng tên trong ngân hàng", dự thảo bổ sung quy định về nghĩa vụ cổ đông không được góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên cá nhân, pháp nhân, trừ trường hợp ủy thác (điểm c khoản 1 Điều 62).

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), từ vụ việc của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho thấy điều quan trọng cần lưu ý là phải quan tâm đến thực trạng những “ông chủ” thực sự của các ngân hàng hiện nay, đồng thời phải xem xét các cổ đông cùng tham gia với ông chủ này.

Theo ông, cần tránh trường hợp người khác vay khó, còn cổ đông và ông chủ này lại vay rất dễ dàng. “Nếu chúng ta không kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn sẽ lại xảy ra trường hợp như SCB”, ông Hòa cảnh báo, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có trách nhiệm, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn chuyên trách tỉnh Hải Dương nêu thực tế, có hiện tượng tập trung cho vay quá lớn vào một số ít khách hàng hoặc cho vay doanh nghiệp "sân sau", nên cần sửa quy định siết tỷ lệ sở hữu, hạn mức cấp tín dụng cho khách hàng.

Tuy nhiên, bà Nga lo ngại việc giảm ngay giới hạn cấp tín dụng sẽ gây tác động đột ngột đến hoạt động của các ngân hàng và vốn tập trung vào một nhóm khách hàng. Vì thế, bà đề nghị cần lộ trình thực hiện giảm tỷ lệ sở hữu vốn, dư nợ tín dụng cho vay.

Cần ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ

Giải trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề cập đến vấn đề giảm thao túng, giảm sở hữu chéo trong hoạt động ngân hàng được nhiều đại biểu nêu. Theo bà, đây là những vấn đề Đảng, Quốc hội và Chính phủ cũng rất quan tâm, có rất nhiều chỉ đạo.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh Quochoi.vn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh Quochoi.vn.

Dự thảo luật mà Quốc hội thảo luận vào tháng 5 có những quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân từ 5% xuống 3%. Tuy nhiên, trong quá trình thảo luận nhiều đại biểu có ý kiến không cần thiết phải giảm xuống 3%, quy định như vậy và đặt ra câu hỏi là quy định như vậy thì có xử lý được triệt để hay không?

“Nếu chỉ quy định thì không thể xử lý triệt để được, bởi vì quy định là để có căn cứ khi người ta sai phạm thì mình xử lý được. Quan trọng nhất đó là vấn đề tổ chức thực hiện. Đối với ngành ngân hàng, qua những sự việc vừa qua, chúng tôi nhận thức và rút kinh nghiệm để có thể có những giải pháp”, bà Hồng cho hay.

Theo Thống đốc, nếu chỉ với bản thân ngành ngân hàng thì chưa đủ. Bởi vì nếu quy định 5% cổ phần nhưng cổ đông cứ cố tình nhờ người khác đứng tên thì việc xử lý thao túng này cũng không thể xử lý được.

“Cần phải ngăn chặn việc đứng tên sở hữu hộ như thế, chỗ này lại đòi hỏi phải có một sự phối hợp rất chặt chẽ giữa ngành ngân hàng với các cơ quan quản lý, bộ, ngành hay địa phương”, bà Hồng nhấn mạnh.

Trong dự thảo luật đã quy định với những cổ đông nắm giữ trên 1% phải công bố rất công khai. Như vậy, nếu có cổ đông mà bản thân không có thu nhập hoặc chỉ là những nhân viên bình thường mà nắm giữ một cổ đông lớn thì có thể dễ phát hiện ra.

“Để giảm thao túng về đầu ra của tổ chức tín dụng trong dự thảo luật này thiết kế phải giảm tỷ lệ cấp tín dụng đối với khách hàng và những khách hàng có liên quan từ 15% xuống 10%. Một số đại biểu cũng nêu việc này cần phải có lộ trình. Trên thực tế thì cơ quan soạn thảo đã dự thảo một lộ trình để giảm từ 15% xuống 10%”, bà Hồng lý giải.

Cũng theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, phía Ngân hàng Nhà nước trong quá trình chỉ đạo điều hành và thanh tra giám sát, cũng nhận diện và nhận thức được cần phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát. Đặc biệt ở các tổ chức tín dụng có bộ phận kiểm soát, kiểm toán của từng tổ chức tín dụng.

“Họ phải có trách nhiệm trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của hội đồng quản trị và ban điều hành. Vấn đề này trong thời gian vừa qua Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng cường để chính tại tổ chức tín dụng họ phải là người giám sát tối cao”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay.

“Chúng tôi cũng xin bày tỏ tinh thần rất trách nhiệm, rất tâm huyết và cũng từ thực tiễn hoạt động ngân hàng trong thời gian vừa qua sẽ cố gắng hết sức có thể lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động của hệ thống ngân hàng, để có thể khắc phục được những hạn chế và hoạt động ngân hàng đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, bà Hồng nêu rõ.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-xac-dinh-ong-chu-thuc-va-ngan-so-huu-cheo-thao-tung-ngan-hang.html