ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CHUYÊN TRÁCH CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐƯỜNG BỘ: CẦN THIẾT QUY ĐỊNH VỀ QUY CHUẨN, TIÊU CHUẨN ĐƯỜNG CAO TỐC

Chiều 26/3, tiếp tục Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận

Trước đó tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Đường bộ với 105 lượt ý kiến phát biểu. Theo đó, các đại biểu Quốc hội đã quan tâm cho ý kiến vào nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Luật như nguyên tắc hoạt động đường bộ; chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ; cơ sở dữ liệu đường bộ; các hành vi bị nghiêm cấm; quỹ đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ; đầu tư xây dựng công trình đường bộ; nguồn tài chính để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ; quy định chung đối với đường cao tốc; vận tải đường bộ; quy hoạch mạng lưới đường bộ, quy hoạch kết cấu hạ tầng đường bộ, quy hoạch hệ thống đường địa phương, đường đô thị; hệ thống giao thông thông minh; phân loại đường bộ theo cấp quản lý…

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh và Ban soạn thảo đã thống nhất đề nghị chỉnh sửa nội dung 68 Điều, bỏ 07 Điều, sắp xếp lại vị trí 03 Điều; đồng thời gom nội dung một số điều để xây dựng thành điều mới. Sau khi chỉnh lý, dự thảo Luật trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách có 86 điều, giảm 06 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình.

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu

Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, các đại biểu đánh giá cao sự cầu thị, nghiêm túc của các cơ quan trong việc tổng hợp đầy đủ và tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng Luật Đường bộ là luật về tiêu chuẩn, thủ tục đầu tư, khai thác, sử dụng đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ. Do đó, cần xác định phạm vi điều chỉnh của luật gọn hơn, rõ hơn, tránh trùng lặp với quy định của các luật liên quan. Phần lớn các quy định liên quan hoặc phụ thuộc vào quy định của các luật như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đê điều, Luật Công trình an ninh quốc phòng, Luật Giao dịch điện tử, Luật Phí và lệ phí…cần rà soát để có báo cáo tổng hợp và chỉ dẫn đến quy định của luật có liên quan. Một số nội dung về vận tải đường bộ trong dự thảo Luật có sự giao thoa với Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa được quy định rõ. Để tránh có lỗ hổng trong thực thi, đại biểu đề nghị cần rà soát, làm rõ.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc quy định quy chuẩn, tiêu chuẩn đường bộ trong Luật. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, qua khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho thấy còn nhiều bất cập trong việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực đường bộ. Đại biểu chỉ rõ, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang xây dựng quy chuẩn kỹ thuật đường cao tốc mới nhưng do chưa áp dụng nên chưa biết vận hành tiêu chuẩn, quy chuẩn đường bộ cao tốc có mang lại hiệu quả tích cực hay không? Cần đánh giá kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, để làm sao áp dụng vào Luật Đường bộ mang lại hiệu quả, phù hợp với phát triển của thế giới.

Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho rằng, tiêu chuẩn, quy chuẩn, kỹ thuật đường cao tốc là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng theo đại biểu, khi áp dụng quy chuẩn theo dự thảo Luật, một số tuyến đường hiện nay không còn là cao tốc nữa. Ví dụ, quy định đường cao tốc là có dải phân cách hai chiều xe riêng biệt. Hiện có một số tuyến cao tốc không có dải phân cách hai chiều xe thì không còn gọi là đường cao tốc nữa. Do đó, đại biểu đặt vấn đề về việc quy định điều khoản chuyển tiếp trong những trường hợp này.

Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Có cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, quy chuẩn đường cao tốc trong Luật Đường bộ cần đảm bảo đầy đủ, nên luật hóa những nguyên tắc bắt buộc. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể. Đại biểu đề nghị cần phải có 6 điểm phải quy định cụ thể, như: bắt buộc phải có dải phân cách cứng, có làn khẩn cấp, có điểm dừng đỗ, tốc độ phương tiện giao thông di chuyển phải cao nhất trong các cấp độ kỹ thuật. Khổ làn phải quy định không thấp hơn 3,75m để tránh nguy cơ thu hẹp khổ đường nhằm tiết kiệm chi phí khi thực hiện đầu tư theo phân kỳ và phải quy định số làn. Như vậy mới đảm bảo hiện đại, an toàn. Ngoài ra, theo đại biểu, tốc độ các phương tiện di chuyển trên đường cao tốc phải cao nhất trong hệ thống các cấp kỹ thuật. Việc tốc độ các phương tiện di chuyển cao bao nhiêu ở từng giai đoạn sẽ do Bộ Giao thông Vận tải quy định.

Đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Đại biểu Lê Hoàng Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cũng cho rằng quy chuẩn và tiêu chuẩn đường cao tốc cần phải được quy định cụ thể; cần quy định rõ vào Luật là đường cao tốc phải như thế nào, sau đó áp dụng sẽ đồng bộ. Trước bất cập hiện nay một số tuyến cao tốc nhưng không có trạm dừng chân và chưa biết thời điểm nào những tuyến này có trạm dừng nghỉ để phục vụ người tham gia giao thông, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị việc xây dựng trạm dừng nghỉ ở đường cao tốc cần phải thực hiện song song với xây dựng đường.

Cũng tại buổi thảo luận, các đại biểu góp ý về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; công tác giải phóng mặt bằng khi xây dựng đường cao tốc, thu phí đường cao tốc do nhà nước đầu tư; đề nghị có giải pháp quản lý tổ chức lại giao thông ở 17 tuyến cao tốc hợp lý, khoa học, hiệu quả, đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân.

Bảo Yến - Phạm Thắng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85665