Đại biểu Quốc hội: Công tác PCCC đang có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh

Chiều 19-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 19-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM thảo luận tại tổ, chiều 19-6. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại các tổ thảo luận, đại biểu (ĐB) đánh giá cao dự án luật đã xây dựng các phương án phòng ngừa, xử lý tình huống xảy ra cháy nổ, tai nạn, đáp ứng yêu cầu nhanh, kịp thời, chuyên nghiệp, theo phương châm 4 tại chỗ.

ĐB Lê Minh Nam (Hậu Giang) nói: "Nhiều ĐB đã phân tích, vấn đề cháy thường xảy ra ở chung cư, khu người dân ở hoặc các doanh nghiệp tiềm ẩn rủi ro cao. Vì vậy, nên đưa nhóm đối tượng này vào nhóm đối tượng phải quan tâm hơn, đưa ra các quy định kiểm soát ngay từ đầu và làm sao vừa phòng ngừa, hạn chế các vấn đề xảy ra cháy nổ, cũng như bố trí các điều kiện để hạn chế tổn thất nếu xảy ra sự cố".

 ĐB Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hoàng Ngân. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đánh giá cao cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý. Từ thực tiễn cháy nổ thương tâm vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thiên tai nhiều, luật này ra đời rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, dự thảo đề cao lực lượng tại chỗ khi xảy ra hỏa hoạn nhưng phần lớn khi xảy ra hỏa hoạn, lực lượng tại chỗ còn thiếu tính chuyên nghiệp.

"Thực tiễn chúng ta thấy người dân sẵn sàng lao vào đám cháy để cứu người, nhưng họ không có phương tiện, kỹ năng. Người dân lấy búa để đập tường thì khó mà cứu người trong đám cháy. Do đó, sử dụng lực lượng tại chỗ thì phải đầu tư nguồn lực hỗ trợ. Phải tăng cường đầu tư thì mới có thể phát huy được lực lượng tại chỗ”, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu.

Ngoài ra, theo ĐB Trần Hoàng Ngân, kỹ năng PCCC, cứu nạn cứu hộ cần được tập huấn kỹ càng hơn cho người dân, thực tế nhiều người dân đã thoát chết khỏi các vụ cháy nổ nhờ được tiếp nhận kỹ năng sinh tồn, do đó, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh. Mặt khác, quy hoạch PCCC cần được đồng bộ với quy hoạch xây dựng.

 ĐB Nguyễn Minh Hoàng. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Minh Hoàng. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) cũng cho rằng, công tác PCCC đang có nhiều vấn đề cần chấn chỉnh. Vừa qua, cả nước xảy ra nhiều vụ cháy nổ, dù cơ quan chức năng đã tích cực kiểm tra. ĐB cho rằng, cần có cơ chế, chính sách thỏa đáng cho công tác này và cho lực lượng cứu nạn cứu hộ; làm rõ các quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ.

ĐB Tô Thị Bích Châu (TPHCM) nêu, cần quan tâm đến lực lượng tại chỗ trong công tác cứu nạn, cứu hộ, đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn kỹ năng… Song song đó, yêu cầu PCCC cần chi tiết đến từng địa bàn như PCCC ở siêu thị, trường học, chợ…, không nên chỉ nêu là PCCC ở cơ sở một cách chung chung.

Nhấn mạnh công tác phòng cháy, ĐB Lê Kim Toàn (Bình Định) đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để ban hành được tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, bảo đảm an toàn với từng loại hình cơ sở. Đây là cơ sở để mỗi gia đình, tổ chức, đơn vị tuân thủ và cần phải triệt để tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật này. PCCC là trách nhiệm của toàn dân, lực lượng chuyên trách PCCC là nòng cốt.

Theo ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM), giáo dục kỹ năng PCCC rất quan trọng, cần bắt đầu ngay từ việc giáo dục cho các em học sinh và làm một cách định kỳ, thường xuyên, không phải xảy ra cháy nổ mới lo tập huấn. Thông tin, tuyên truyền cảnh báo cháy nổ phải thường xuyên.

Nên chăng tiến tới yêu cầu mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, như vậy sẽ khiến các cơ sở, tòa nhà sẽ phải bảo đảm tiêu chuẩn về PCCC. Việc yêu cầu nghiêm ngặt tiêu chí PCCC cần được thực hiện tốt hơn trong thời gian tới cũng như cần được luật hóa một cách cụ thể.

- ĐB Phạm Khánh Phong Lan

 ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Khánh Phong Lan. Ảnh: QUANG PHÚC

Nhấn mạnh những công trình, hạng mục công trình khi thay đổi công năng sử dụng sẽ làm gia tăng tính chất, mức độ nguy hiểm cháy nổ, ĐB Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị, cần các công trình này bắt buộc phải thực hiện thẩm duyệt thiết kế nghiệm thu về PCCC để đảm bảo an toàn.

"Phòng cháy đối với hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng phải bảo đảm an toàn PCCC, phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt, có giải pháp thoát nạn. Song song đó, chuẩn bị thiết bị, phương tiện PCCC, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với điều kiện thực tế để sẵn sàng chữa cháy, thoát nạn", ĐB Nguyễn Đại Thắng nói.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-cong-tac-pccc-dang-co-nhieu-van-de-can-chan-chinh-post745348.html