Đại biểu Quốc hội đề nghị có cơ chế khuyến khích, nâng cao vai trò của phụ nữ trong phòng chống ma túy
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 13/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Thảo luận tại hội trường chiều 13/11, phần lớn các đại biểu đông tình với việc cần thiết phải ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Đồng thời nhận định, tình hình ma túy diễn biến rất phức tạp và khó lường với số vụ, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn còn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc không giảm và chiếm tỷ lệ đa số (chiếm 83,7%).
Tổng vốn thực hiện Chương trình là 22.450,194 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách Trung ương chiếm 78,96%; Vốn ngân sách địa phương chiếm 20,82%.
Phần lớn các đại biểu bày tỏ đồng tình với các chỉ tiêu được nêu ra trong dự thảo Chương trình, cụ thể như: Đến năm 2030, các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, điểm nguy cơ, đối tượng bán lẻ về ma túy phấn đấu được phát hiện, triệt phá 100%. Trên 80% cán bộ, chiến sĩ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên sâu về lĩnh vực có liên quan đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. 100% diện tích trồng trái phép cây có chứa chất ma túy phát hiện được triệt phá...
Đặc biệt, chỉ tiêu về giảm người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy, đến năm 2030, phấn đấu kiềm chế tỷ lệ gia tăng người nghiện dưới 1%/năm và tỷ lệ gia tăng người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 1%/năm. Ít nhất 80% người nghiện ma túy được tư vấn cai nghiện; 90% người sau cai nghiện ma túy được hỗ trợ phòng, chống tái nghiện ma túy và hòa nhập cộng đồng. Trên 90% người nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy và gia đình người nghiện ma túy được cung cấp, tiếp cận chính sách, pháp luật, thông tin hệ thống dịch vụ về cai nghiện, quản lý, hỗ trợ xã hội. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn không có ma túy trên toàn quốc đạt trên 20%...
Chương trình thực hiện từ năm 2025 đến hết năm 2030, trong đó: Năm 2025 thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản, tài liệu hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình.
Giai đoạn 2026-2030: triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH Hải Dương,bày tỏ đồng tình với các chỉ tiêu được nêu ra; tuy nhiên việc xác định các chỉ tiêu cụ thể như trên cần được phân tách chỉ tiêu cho từng vùng, từng khu vực khác nhau; bởi tình hình tội phạm ma túy ở mỗi địa phương, vùng miền lại rất khác nhau, không thể áp dụng chung một chỉ tiêu. Đồng thời, mức độ đầu tư nguồn lực, tập trung các giải pháp phòng chống ma túy; hoạt động đấu tranh với các loại tội phạm ma túy ở mỗi địa phương là khác nhau.
Còn đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Hà Nội, cho biết: Trong công tác phòng chống ma túy, cần phải đề cao vai trò của gia đình, của người phụ nữ. Mọi sự biến đổi, vấn đề xảy ra với con em trong mỗi gia đình thì chính người mẹ sẽ biết và nắm bắt được đầu tiên và nhanh nhất. Chính vì vậy, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Hội LHPN Việt Nam, cần tham gia, vào cuộc, tích cực vận động phụ nữ, hướng dẫn những bà mẹ quản lý, giáo dục con em mình. Đồng thời có cơ chế, khuyến khích và đề cao vai trò của người phụ nữ trong mỗi gia đình, qua đó có thể tăng khả năng phòng tránh, bảo vệ con em không bị vướng vào ma túy, giữ gìn sức khỏe, hạnh phúc của mỗi thành viên trong gia đình.
Đồng quan điểm các đại biểu: Lý Tiết Hạnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định; Trần Văn Sáu, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, tán đồng với việc tăng cường sự phối hợp, cùng vào cuộc của cả gia đình, nhà trường và các cơ quan quản lý, tổ chức từ trung ương tới địa phương. Đồng thời cần quan tâm, tập trung việc phòng chống ma túy khu vực trường học, nơi thế hệ trẻ dễ bị tội phạm ma túy tấn công, dụ dỗ, lôi kéo trẻ em, học sinh sử dụng các loại ma túy. Theo đại biểu, cần đặc biệt quan tâm tới môi trường giáo dục, trường học, tăng cường giáo dục, tuyên truyền cho các em hiểu và nhận thức rõ tác hại của ma túy, phòng chống từ xa để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.
Chương trình được phân chia ra 9 Dự án thành phần, 6 Tiểu dự án do 8 Bộ, ngành chủ trì. Trong đó, riêng Dự án 7 về Truyền thông, giáo dục về phòng, chống ma túy (Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì), gồm có 4 Tiểu dự án:
+ Tiểu dự án 1: Truyền thông về phòng, chống ma túy (Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì).
+ Tiểu dự án 2: Nâng cao hiệu quả truyền thông, giáo dục phòng, chống ma túy ở cơ sở (Bộ Công an chủ trì).
+ Tiểu dự án 3: Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì).
+ Tiểu dự án 4: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy cho công nhân lao động các khu công nghiệp (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì).