Đại biểu Quốc hội đề nghị giao thẩm quyền cho Giám đốc Công an tỉnh cấp giấy chứng nhận và thẻ căn cước

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, cần bảo lưu thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước và thẻ căn cước do Giám đốc Công an tỉnh cấp như quy định trước đây; nếu để cho Bộ Công an thực hiện cấp thì sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kĩ hơn quy định này.

Sáng 25/10, thảo luận trước Quốc hội về dự án Luật Căn cước, Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi) bày tỏ cơ bản thống nhất cao với dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về tên gọi của dự thảo Luật, Đại biểu đồng tình với việc đổi tên Luật thành Luật Căn cước như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Về giải thích từ ngữ, Đại biểu Lương Văn Hùng cho biết, tại Điều 2 dự thảo Luật quy định về đối tượng áp dụng là “… người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch;…”, nhưng tại khoản 17 Điều 3 dự thảo Luật chỉ giải thích từ ngữ đối với Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; đồng thời, trong dự thảo Luật không có đề cập, quy định gì đến “người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch”, chỉ quy định chung đối với “người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch”. Do đó, Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét, làm rõ và quy định lại cho thống nhất nội dung này.

 Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi) phát biểu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Lương Văn Hùng (Đoàn Quảng Ngãi) phát biểu ý kiến.

Cũng tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật quy định: “Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người”. Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét, nghiên cứu thay thế cụm từ “cơ bản” bằng cụm từ “chính xác” để quy định mang tính chặt chẽ hơn. Do vậy, khoản 1 Điều 3 đề nghị sửa thành: “Căn cước là thông tin chính xác về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhận dạng và sinh trắc học của một người”.

Về người được cấp thẻ căn cước (Điều 19), tại khoản 3 Điều 19 dự thảo Luật quy định: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”. Đại biểu Lương Văn Hùng đề nghị xem xét bỏ quy định “Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu”, vì đối với trẻ em dưới 14 tuổi, nhất là với trẻ dưới 6 tuổi không tự mình thực hiện được các giao dịch dân sự; trường hợp được cấp thẻ căn cước thì việc thực hiện các giao dịch dân sự vẫn phải thông qua cha, mẹ hoặc người giám hộ, nội dung này sẽ làm phát sinh thủ tục hành chính và các chi phí thực hiện.

 Các đại biểu dự phiên họp sáng 25/10.

Các đại biểu dự phiên họp sáng 25/10.

Liên quan đến giấy chứng nhận căn cước quy định tại khoản 1 Điều 30, Đại biểu Lương Văn Hùng cho rằng, về mặt quản lý nhà nước thì quy định này chưa xác định được việc “sinh sống liên tục” là có đăng ký (thường trú, tạm trú) với cơ quan Nhà nước hay không. Trường hợp yêu cầu phải có đăng ký (thường trú, tạm trú) thì đề nghị xem xét, bổ sung cho phù hợp; trường hợp không cần phải có đăng ký (thường trú, tạm trú) thì đề nghị xác định rõ cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác định việc sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên trong quy định trên là cơ quan nào để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và dễ áp dụng thực hiện.

Cũng quan tâm đến dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhất trí với sự cần thiết cấp thẻ căn cước điện tử cho công dân sẽ mang lại nhiều tiện lợi khi được tích hợp nhiều thông tin. Tuy nhiên, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết nhiều công dân phản ánh lo ngại căn cước gắn chíp, căn cước điện tử có thể bị theo dõi. Để công dân an tâm, Đại biểu đề nghị Bộ Công an giải thích làm rõ, thông tin tuyên truyền về vấn đề này.

Bày tỏ thống nhất với việc đổi tên là thẻ căn cước, song Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi trình, tránh trường hợp như trước đây cấp thẻ căn cước không gắn chíp sau 1 tháng lại áp dụng cấp thẻ căn cước gắn chíp, gây ra tốn kém.

 Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) tham gia thảo luận tại hội trường.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) tham gia thảo luận tại hội trường.

Về cấp giấy chứng nhận cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch, Đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ tán thành với quy định này là cần thiết để bảo đảm quản lý.

Vị Đại biểu Quốc hội Đoàn Đồng Tháp cho rằng, cần bảo lưu thẩm quyền cấp giấy chứng nhận căn cước và thẻ căn cước do Giám đốc Công an tỉnh cấp như quy định trước đây. Đại biểu cho rằng, nếu để cho Bộ Công an thực hiện cấp thì sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém. Đại biểu đề nghị nghiên cứu kĩ hơn quy định này.

Cho ý kiến về những nội dung thể hiện trên thẻ căn cước, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, bắt buộc có 7 thông tin chính như họ tên, năm sinh, quốc tịch, giới tính… Tuy nhiên, những trường hợp còn lại nên thể hiện là không bắt buộc, khuyến khích người dân cung cấp thêm ngoài những quy định bắt buộc để tích hợp vào thẻ căn cước.

N.Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-giao-tham-quyen-cho-giam-doc-cong-an-tinh-cap-giay-chung-nhan-va-the-can-cuoc-post269863.html