Đại biểu Quốc hội: Đề nghị giữ án tử hình với hành vi làm thuốc giả

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm, đặc biệt là những hành vi sản xuất thuốc giả, kinh doanh trên nỗi đau của người bệnh...

Một số mặt hàng thực phẩm giả được cơ quan chức năng thu được. (Ảnh: Công an Hà Nội)

Một số mặt hàng thực phẩm giả được cơ quan chức năng thu được. (Ảnh: Công an Hà Nội)

Hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả đang trở thành vấn nạn nhức nhối, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân. Tại phiên thảo luận về dự án Luật Hình sự sửa đổi chiều 20/5, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự bức xúc trước thực trạng này và đề xuất những giải pháp mạnh mẽ, trong đó có việc giữ lại hình phạt tử hình đối với tội danh này.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn thành phố Hà Nội) nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm nguy hiểm, trong đó có tội phạm về an toàn thực phẩm và hàng giả. Ông cho rằng, việc sửa đổi Luật Hình sự cần tập trung vào 7 nhóm tội phạm nguy hiểm, bao gồm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại (an toàn thực phẩm, hàng giả), sử dụng công nghệ cao, môi trường và ma túy.

"Quan điểm của Đảng ta trong lần sửa đổi này tập trung vào 7 nhóm tội phạm nguy hiểm trên. Vì thế, Cơ quan soạn thảo cần sửa đổi các quy định để có sự phân hóa mạnh hơn, nghiêm khắc hơn với các nhóm tội phạm này," đại biểu Hà nêu rõ.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu khác cũng cho rằng việc tăng mức tiền phạt gấp đôi đối với tất cả các nhóm tội phạm là chưa hợp lý, không thể hiện được sự phân hóa cần thiết giữa các loại tội phạm. Vấn đề hình phạt tử hình cũng được đưa ra thảo luận với nhiều ý kiến trái chiều.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) không tán thành việc loại bỏ hoàn toàn án tử hình đối với cả tám tội danh, đặc biệt là tội sản xuất, buôn bán hàng giả đối với thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh.

"Trong lịch sử chưa có án tử hình cho tội này, nhưng những diễn biến gần đây cho thấy các đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả quy mô lớn đã bị phát hiện. Hành vi kinh doanh trên nỗi đau của người bệnh và gây ra tác hại không thể đánh giá hết. Do đó, cần xem xét giữ lại hình phạt tử hình cho tội này," đại biểu Sang nhấn mạnh.

 Lực lượng chức năng của Hà Nội kiểm tra kho hàng được bán trực tuyến. (Ảnh: Vietnam+)

Lực lượng chức năng của Hà Nội kiểm tra kho hàng được bán trực tuyến. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Sang cũng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc bỏ án tử hình cho tội tham ô và nhận hối lộ, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang đấu tranh mạnh mẽ với loại tội phạm này. Vụ án Trương Mỹ Lan và Ngân hàng SCB là một ví dụ điển hình cho thấy sự chi phối, lũng đoạn ở một số công ty, tập đoàn.

"Vụ án Trương Mỹ Lan cho thấy dù có án tử hình vẫn thu hồi được tài sản. Nếu, bỏ án tử hình, liệu hiệu quả thu hồi tài sản có đạt được như mong muốn?" đại biểu Sang đặt câu hỏi.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng việc bỏ án tử hình cho một số tội danh, đặc biệt là vận chuyển trái phép chất ma túy, sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, tham ô và nhận hối lộ là không phù hợp.

"Nếu tình hình các tội này giảm thì việc bỏ án tử hình có thể được xem xét. Nhưng thực tế, tình hình ma túy ngày càng nghiêm trọng, thuốc giả bị phát hiện ngày càng nhiều và tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp," bà Lan nói.

Đại biểu Lan cho rằng việc đặt ra vấn đề nhân văn, thay án tử hình bằng án chung thân, là không phù hợp. Bà nhấn mạnh nguyên tắc "Sát nhân thì đền mạng" và cho rằng cần nghĩ đến thân nhân của các nạn nhân.

Đối với tội làm thuốc giả, đại biểu Lan cho rằng cần phải xử lý nghiêm khắc. Bà so sánh: "Một bác sỹ dở có thể gây hại cho một bệnh nhân, nhưng một dược sỹ làm thuốc giả có thể giết hàng loạt người. Đây là hành vi táng tận lương tâm và không xứng đáng làm người. Cần giữ lại án tử hình để răn đe."

Bà cũng dẫn chứng việc Trung Quốc đã tử hình Cục trưởng Cục Quản lý Dược vì cấp phép thuốc giả, gây chết người, để cho thấy sự nghiêm khắc của họ trong vấn đề này.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ việc giữ lại án tử hình, một số đại biểu đã bày tỏ quan điểm khác. Cụ thể, Đại biểu Lê Nhật Thành (đoàn Hà Nội) tán thành việc bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh nêu trong dự thảo luật, bổ sung hình phạt tù chung thân không giảm án ở các tội bỏ hình phạt tử hình; bổ sung quy định không thi hành án tử hình trong các trường hợp người bị kết án tử hình bị bệnh hiểm nghèo, ung thư giai đoạn cuối, nhiễm HIV đã chuyển giai đoạn AIDS…, như đề xuất của Chính phủ.

Ông Thành cho rằng với tình hình chính trị, kinh tế-xã hội như hiện nay, chưa phải thời điểm Việt Nam xóa bỏ hình phạt tử hình, tuy nhiên cần phải hạn chế áp dụng và thi hành hình phạt tử hình, như giảm số tội danh có quy định hình phạt tử hình, bổ sung chế định tù chung thân không xét giảm án.

"Thực tiễn yêu cầu trong hợp tác quốc tế về đấu tranh phòng chống tội phạm về nhận hối lộ, tham ô tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy, nhiều nước đã yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình, hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về tham nhũng, chức vụ và ma túy. Nhưng, Việt Nam chưa cam kết nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi," đại biểu Thành cho biết./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-giu-an-tu-hinh-voi-hanh-vi-lam-thuoc-gia-post1039631.vnp