Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ việc tăng giá điện và khoản lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN
Theo Đại biểu Lê Hữu Trí, cần thiết phải làm rõ khoản lỗ tường minh 26.000 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2022, cũng như việc tăng giá điện trong bối cảnh người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 31/5, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 2022 và những tháng đầu năm 2023. Phiên thảo luận kinh tế - xã hội sẽ kéo dài từ 31/5 đến sáng ngày 1/6.
Đại biểu Quốc hội Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hòa) đánh giá, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 rất thấp (chỉ tăng 3,32% so với cùng kỳ năm trước), số doanh nghiệp thành lập mới giảm trong khi số giải thể tăng mạnh.
Đáng lo ngại, nhiều doanh nghiệp phải chuyển nhượng, bán cổ phần với giá thấp, bán cho đối tác nước ngoài. Số doanh nghiệp mất đơn hàng tăng mạnh, kéo theo đó là hàng loạt người lao động mất việc làm. Dự báo tình hình sẽ phức tạp hơn.
Trong bối cảnh người tiêu dùng, doanh nghiệp gặp khó khăn, Đại biểu Lê Hữu Trí đề nghị có giải pháp căn cơ khắc phục tồn tại vướng mắc ở thị trường điện, nhất là việc tăng giá điện.
"Cần thiết phải làm rõ khoản lỗ 26.000 tỷ đồng của EVN một cách tường minh, cũng như có cơ chế quản lý minh bạch, tháo gỡ bất cập và tạo sự đồng thuận trong nhân dân", Đại biểu Trí nêu.
Liên quan tới vấn đề về điện, Đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn Kon Tum) cho rằng, cần sớm huy động sản lượng lớn điện gió, mặt trời đã hoàn thành lên lưới điện. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp điện tái tạo đang gặp khó khăn, điêu đứng, trong khi đó các dự án đầu tư xong nhưng không vận hành được thương mại là sự lãng phí quá lớn nguồn lực đất nước.
Điện cũng là một trong những nội dung đáng quan tâm được đề cập tại báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội. Theo đó, trong phiên thảo luận tổ, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần đánh giá, phân tích việc điều chỉnh giá điện, vì EVN đã nhiều lần điều chỉnh tăng giá điện, nhưng vẫn tiếp tục báo lỗ và tiếp tục đề nghị điều chỉnh tăng giá. Các đại biểu cho rằng cần làm rõ việc công ty mẹ báo lỗ trong khi các công ty con vẫn công bố lợi nhuận cao năm 2022.
Nguyên nhân EVN lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng cũng được đại biểu yêu cầu mổ xẻ, cùng với đề xuất nghiên cứu xây dựng cơ chế giá hợp lý để các nhà máy điện tư nhân, các dự án điện, năng lượng tái tạo tham gia vào kinh doanh điện; nghiên cứu phương án tối ưu để đảm bảo cho an ninh năng lượng và tìm được nguồn nhiên liệu rẻ và sạch hơn để từ đó làm giảm giá thành sản xuất.
Cũng liên quan vấn đề này, có ý kiến đề nghị cần quan tâm đến an ninh năng lượng khi tình hình cắt điện đang thường xuyên hơn. Theo đại biểu Quốc hội, Bộ Công Thương cần sớm thương thảo với các công ty, tập đoàn điện gió, điện mặt trời để thu mua và hòa vào lưới điện, đảm bảo cung cấp điện trong mùa hè.
Trước đó, những băn khoăn EVN lỗ hơn 26.000 tỷ đồng năm 2022, còn các công ty phát điện, gồm đơn vị thành viên của EVN, vẫn lãi đã gây nóng Nghị trường Quốc hội ngày 25/5 vừa qua. Theo đó, năm 2022, doanh nghiệp thuộc EVN là Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) và Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2) lần lượt lãi sau thuế hơn 2.500 tỷ đồng và gần 3.700 tỷ đồng.