Đại biểu Quốc hội đề nghị nâng tuổi thanh niên lên 35
Thảo luận về dự thảo luật Thanh niên sửa đổi, nhiều ĐBQH đề nghị nâng độ tuổi tối đa của thanh niên lên 35 thay vì 30 như hiện nay.
Qua nghiên cứu dự thảo luật Thanh niên sửa đổi, về độ tuổi của thanh niên theo luật hiện hành là từ đủ 16 đến 30 tuổi, ĐB Mai Thị Kim Nhung (Quảng Trị) cho rằng cần thiết tăng độ tuổi lên đến 35.
Bí thư Thành đoàn TP Đông Hà phân tích: "Tuổi thọ bình quân hiện nay tăng, sức khỏe thể chất đã cải thiện tốt hơn nhiều so với thời kỳ trước.
Tăng tuổi thanh niên sẽ tập hợp được đông đảo hơn nữa lực lượng thanh niên phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, tạo sự thuận lợi cho công tác xây dựng, bố trí đội ngũ cán bộ Đoàn".
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Thanh niên thuộc TƯ Đoàn qua thống kê 196 quốc gia, quy định độ tuổi thanh niên tối đa của các quốc gia trên 30 tuổi có 95 quốc gia, chiếm trên 48%, trong đó từ 35 đến 40 tuổi là 45 quốc gia, chiếm gần 23%.
Từ thực tiễn bản thân đang công tác tại cơ quan Đoàn Thanh niên, ĐB Quảng Trị cho rằng, nếu quy định độ tuổi thanh niên tối đa 30 tuổi thì các cơ sở Đoàn khu vực hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có rất ít đoàn viên, khó hoạt động. Các sinh viên ra trường thường tiếp tục học thêm hoặc tham gia trải nghiệm ở các lĩnh vực kinh tế ngoài nhà nước, sau đó mới thi tuyển vào cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Cùng quan điểm, ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng điều kiện KTXH ngày càng phát triển thì đời sống vật chất, tinh thần cũng ngày càng nâng cao, tính năng động, sáng tạo, tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ cũng được duy trì dài thêm.
"Thực tế rất nhiều người dù đã qua tuổi thanh niên nhưng suy nghĩ, sự sáng tạo, ý chí, nhiệt huyết trong lao động, học tập vẫn như thanh niên", bà Dung lý giải.
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Cao Bằng, Quốc hội vừa thông qua quy định nâng tuổi nghỉ hưu nam tăng thêm 2 tuổi, nữ tăng thêm 5 tuổi, vì vậy kéo dài thêm tuổi thanh niên cũng phù hợp với thực tế và điều kiện của đất nước.
Thanh niên trong khối cán bộ, công chức, viên chức đang giảm nhanh trong những năm qua. Việc thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sáp nhập các cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã hạn chế việc tuyển dụng mới nên không có nguồn bổ sung đoàn viên thanh niên trong khối này.
Mặc dù điều lệ Đoàn quy định đoàn viên từ 16 đến 30 tuổi nếu có nguyện vọng thì tham gia sinh hoạt đoàn đến 35 tuổi, nhưng trên thực tế đa số các cơ sở đoàn trong khối Đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính nhà nước đều giữ đoàn viên sinh hoạt đến 35 tuổi.
Vì nếu cho trưởng thành đúng 30 tuổi thì số lượng đoàn viên sẽ rất ít, thậm chí không đủ điều kiện để thành lập chi đoàn, phải sinh hoạt ghép với các cơ quan, tổ chức khác. Do vậy ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt động của khối này, tác động không nhỏ đến chất lượng hoạt động của tổ chức đoàn.
Theo ĐB tỉnh Cao Bằng, nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định độ tuổi thanh niên tối đa từ 35 đến 40 tuổi, ví dụ như Singapore từ 15 đến 35 tuổi, Ấn Độ là từ 10 đến 35 tuổi, Bruney từ 15 đến 40 tuổi.
Chưa phát sinh vấn đề để sửa luật
ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) từng là Bí thư thứ nhất BCH TƯ Đoàn cho rằng quản lý nhà nước phải theo hướng thúc đẩy thanh niên tiến lên phía trước, hình thành lớp thanh niên tinh hoa dẫn đầu cho phong trào.
"Vì vậy, cần có những cánh chim đầu đàn, lớp 30 tuổi đến 35 tuổi là những người đã thành đạt, dẫn dắt đôi bạn cùng tiến. Điều lệ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam hiện nay cũng quy định độ tuổi là đến tuổi 35", ông Kim bày tỏ.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết có một số ý kiến thống nhất theo dự thảo luật, có ý kiến cho rằng nên bắt đầu từ 16 cho đến 35, cũng có ý kiến từ 15 cho đến 35 tuổi, có ý kiến là từ 18 cho đến 30 tuổi, có ý kiến đề xuất nên chia ra làm 4 nhóm.
Luật năm 2005 đã quy định độ tuổi thanh niên là từ 16 đến 30 tuổi và thực hiện luật đến nay cũng chưa thấy phát sinh những vấn đề cần phải nghiên cứu để sửa đổi.
Theo điều lệ Hội Thanh niên Việt Nam có thành viên là từ 15 cho đến 30 tuổi, 35 tuổi. Qua nghiên cứu về độ tuổi của Liên hiệp quốc và các nước, thanh niên cũng có độ tuổi trung bình 15 đến 30 tuổi.
"Phát triển được nguồn nhân lực để chuyển tiếp từ tuổi trẻ em sang tuổi trưởng thành cần phải tập trung các chính sách đầu tư để phát triển toàn diện trong độ tuổi này về phát triển tâm sinh lý của thanh niên trong thời gian sắp tới.
Như vậy, việc quy định về độ tuổi trong dự thảo luật nhằm đảm bảo tốt các chính sách để thúc đẩy sự phát triển của thanh niên. Việc quy định độ tuổi như vậy cũng không ảnh hưởng đến độ tuổi của những người tham gia các tổ chức đoàn thanh niên", Bộ trưởng Nội vụ giải thích.